Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát chỉ còn rất ít thời gian để thông qua một nghị quyết cấp ngân sách ngắn hạn cho chính phủ, hoặc đạo luật ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo. Nếu họ không làm được điều này, chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa từ sau nửa đêm ngày 30/9 (11h ngày 1/10 giờ Hà Nội).
Một nhóm nhỏ đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đang phản đối các biện pháp cấp ngân sách tạm thời để giúp chính phủ duy trì hoạt động sau 30/9. Phe Cộng hòa tại Hạ viện hôm 29/9 bác bỏ kế hoạch do chính lãnh đạo của họ, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, đề xuất nhằm ngăn chính phủ đóng cửa.
Động thái này phần nào phản ánh tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng trong nội bộ đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, khi lãnh đạo của đảng tại Hạ viện không thể thuyết phục được các thành viên.
Nếu McCarthy không thông qua được thỏa thuận ngân sách trong vài giờ tới, đây sẽ là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đóng cửa kể từ năm 2019. Khi chính phủ đóng cửa, hàng triệu viên chức liên bang sẽ không được trả lương, các cơ quan chính phủ, ngoại trừ những dịch vụ thiết yếu quan trọng, sẽ ngừng hoạt động.
Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) Shalanda Young cho biết “vẫn có cơ hội” tránh được việc chính phủ đóng cửa nếu đảng Cộng hòa có thể chấm dứt chia rẽ nội bộ. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng Tổng thống Joe Biden không có ý định can thiệp vào tranh cãi này và đảng Cộng hòa cần giải quyết vấn đề nội bộ của họ.
Tổng thống Biden cho rằng tình thế hiện nay là do ông McCarthy đã nhân nhượng trước một nhóm nhỏ “thành viên cực đoan” của đảng Cộng hòa ở Hạ viện. “Để giữ được ghế Chủ tịch Hạ viện, ông ấy sẵn sàng làm những điều mà tôi nghĩ ông ấy biết không phù hợp với quy trình hiến pháp”, Tổng thống Mỹ nói.
Do đảng Cộng hòa chỉ nắm đa số mong manh tại Hạ viện, ông McCarthy hồi đầu năm đã phải chấp nhận nhiều điều kiện của một số nghị sĩ theo đường lối cứng rắn trong đảng để được bầu làm Chủ tịch Hạ viện. Nhóm nghị sĩ này giờ đây đang tăng cường sức ép với ông McCarthy liên quan đến vấn đề ngân sách cho chính phủ.
Tuy nhiên, McCarthy lại đổ lỗi cho đảng Dân chủ, nói rằng họ mới là những người đang cản trở quá trình tìm giải pháp.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Lael Brainard nói rằng việc chính phủ đóng cửa “một cách không cần thiết” sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp rủi ro. Việc các kiểm soát viên không lưu được yêu cầu làm việc không lương trong thời kỳ chính phủ đóng cửa có thể đe dọa hoạt động của ngành hàng không.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo việc đóng cửa cũng có thể trì hoãn nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của Mỹ.
“Trước mắt, việc chính phủ đóng cửa sẽ khiến GDP giảm 0,2% mỗi tuần”, theo báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế công bố ngày 29/9. “Việc các cơ quan thương mại trọng yếu ngừng hoạt động sẽ làm suy yếu uy tín của Mỹ với tư cách đối tác thương mại, cản trở các cuộc đàm phán đang diễn ra cũng như năng lực kiểm soát xuất khẩu”.
Nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa cũng phủ bóng lên nỗ lực viện trợ cho Ukraine. Nhà Trắng muốn bất cứ dự luật ngân sách nào cũng phải bao gồm khoản viện trợ quân sự và nhân đạo 24 tỷ USD cho Ukraine, trong khi các thành viên cứng rắn trong đảng Cộng hòa tại Hạ viện kiên quyết phản đối.
Hầu hết thành viên đảng Cộng hòa tại quốc hội tiếp tục ủng hộ viện trợ Ukraine, nhưng số ít thành viên theo đường lối cực hữu lại cho rằng việc ngừng viện trợ cho Kiev là mục tiêu quan trọng.
Nhà Trắng và các lãnh đạo Cộng hòa tại quốc hội hồi tháng 5 đạt thỏa thuận về tiếp tục cấp ngân sách cho chính phủ trước khi đạo luật chi tiêu hết hạn ngày 30/9. Theo thỏa thuận, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục được cấp ngân sách cho các ưu tiên về an ninh quốc gia và các vấn đề thiết yếu trong nước, đồng thời cắt giảm thâm hụt ngân sách 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới.
Tuy nhiên, ông Biden cho rằng các thành viên cực đoan của đảng Cộng hòa không tôn trọng thỏa thuận này, đẩy chính phủ vào nguy cơ đóng cửa. Chính phủ Mỹ từng đóng cửa ba lần trong nhiệm kỳ của cựu tổng thống Donald Trump.
Huyền Lê (Theo AFP)
Để lại một phản hồi