Người đàn ông đang bị cảnh sát thẩm vấn với cáo buộc chặt trộm cây sung dâu Sycamore Gap nổi tiếng ở Công viên Quốc gia Northumberland hạt Northumberland, đông bắc nước Anh. Trước đó, một thiếu niên 16 tuổi cũng bị bắt với cáo buộc tương tự và đã được tại ngoại.
“Hành động phá hoại một cách vô nghĩa cây nổi tiếng thế giới và là vật báu của địa phương đã dẫn tới làn sóng phẫn nộ, sốc và bàng hoàng khắp khu vực”, chánh thanh tra Rebecca Fenney-Menzies, phát ngôn viên sở cảnh sát Northumberland, ngày 29/9 cho hay. “Tôi hy vọng vụ bắt nghi phạm thứ hai cho thấy chúng tôi xem xét sự việc nghiêm túc thế nào và cam kết đưa thủ phạm ra trước công lý”.
Giới chức Anh chưa công bố danh tính các nghi phạm cũng như động cơ của họ, đồng thời đề nghị công chúng cung cấp thêm thông tin liên quan.
“Bất kỳ thông tin nào dù bạn cho là nhỏ hay không đáng kể đều có thể cực kỳ quan trọng đối với cuộc điều tra của chúng tôi”, cảnh sát thông báo trên mạng xã hội.
Cây Sycamore Gap, khoảng 300 tuổi, được hàng triệu người biết đến với biệt danh “Cây Robin Hood” khi xuất hiện trong bộ phim bom tấn Robin Hood: Hoàng tử lục lâm năm 1991. Cây nằm cạnh Bức tường Hadrian do người La Mã xây dựng vào khoảng 1.900 năm trước, được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Cây bị đốn hạ vào đêm 28/9, khiến phần thân xum xuê đổ gục trên bức tường cổ. Vụ phá hoại đã khiến nhiều người Anh sốc và tức giận.
Tony Gates, giám đốc cơ quan quản lý Công viên Quốc gia Northumberland, cho biết các nhân viên tại di tích đã khóc khi phát hiện cây bị đốn. Robert Macfarlane, nhà văn nổi tiếng với đề tài về thiên nhiên, cho biết ông “phát ốm” khi nghe tin cây Sycamore Gap “được hàng triệu người biết đến và yêu thích” đã bị chặt hạ.
Các chuyên gia nói rằng cây bị chặt gần gốc và có thể mọc trở lại, song sẽ không bao giờ còn như cũ. Chuyên gia về làm vườn Rob Ternent cho hay chồi non có thể xuất hiện vào mùa xuân năm tới và phần thân mới có thể cao 2,4 mét.
“Nó đã 300 năm tuổi nên sẽ mất rất nhiều thời gian để trở lại kích thước ban đầu”, ông nói.
Sau nhiều thế kỷ công nghiệp hóa và đô thị hóa, Anh được coi là một trong những quốc gia có rừng bị phá nhiều nhất ở châu Âu.
Huyền Lê (Theo BBC, Al Jazeera)
Để lại một phản hồi