Chuyên gia: Tỷ giá “nổi sóng” không đáng ngại, chính sách tiền tệ vẫn có nhiều dư địa nới lỏng

TIN MỚI

    Thời gian gần đây, tỷ giá trung tâm USD liên tục biến động tăng mạnh. Tính đến ngày 14/9, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước công bố cũng dao động ở mức 24.013 đồng – cao nhất trong lịch sử. Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã lên 24.380 – 24.400 đồng, tăng xấp xỉ 2,7% so với đầu năm.

    “Biến động tỷ giá trong nước không đáng ngại”

    Bàn về ảnh hưởng của biến động tỷ giá tại tọa đàm “Chủ động đón vận hội mới” do VnExpress tổ chức mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối chứng khoán Dragon Capital cho rằng tỷ giá USD đang có sự chênh lệch giữa thị trường chính thống và thị trường “chợ đen”. Chênh lệch này lớn đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trong nước đang đầu cơ VND. Sau đợt biến động mạnh vào năm 2022, tỷ giá đang có dấu hiệu tăng cao trở lại do chênh lệch giữa lãi suất VND/USD và nhu cầu ngắn hạn của doanh nghiệp.

    Chuyên gia: Tỷ giá "nổi sóng" không đáng ngại, chính sách tiền tệ vẫn có nhiều dư địa nới lỏng - Ảnh 1.

    Chuyên gia: Tỷ giá "nổi sóng" không đáng ngại, chính sách tiền tệ vẫn có nhiều dư địa nới lỏng - Ảnh 2.

    Những biến động tỷ giá trong biên độ +/-1% là bình thường và chúng ta nên làm quen với điều đó. Từ tháng 6 trở đi, vấn đề tỷ giá đã không còn quá lo ngại do biến động tỷ giá chủ yếu đến từ chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ tương đối cao. Khi Mỹ không thắt chặt chính sách tiền tệ, DYX giảm xuống, Việt Nam sẽ có rất nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ” , ông Tuấn nói thêm.

    Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng tỷ giá trong nước không quá đáng ngại, biến động tỷ giá của các quốc gia khác mới là rủi ro đáng quan tâm.

    Trong 8 tháng đầu năm, đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng 1,97% so với USD, nhưng đồng yên của Nhật đã mất giá đến 11%, đồng NDT của Trung Quốc mất khoảng 5,8%, đồng Hàn Quốc cũng mất 5% giá trị.

    Theo chuyên gia, nếu các nước khác vẫn duy trì chính sách điều hành tỷ giá “diều hâu” để tạo ra năng lực cạnh tranh thì đó cũng là thách thức với kinh tế Việt Nam.

    Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng

    Bàn về chính sách tiền tệ – “xương sống” của nền kinh tế, ông Lê Anh Tuấn cho rằng bất chấp đà tăng của giá hàng hoá lạm phát vẫn giữ ổn định từ 3,5%-4% và dự báo tiếp tục duy trì ổn định. Lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với đỉnh năm 2022, lãi suất tiền gửi cũng chạm đáy Covid.

    Chuyên gia Dragon Capital nhìn nhận chính sách tiền tệ vẫn đang đi đúng hướng và dự báo lãi suất vẫn còn dư địa đi xuống. Tuy nhiên, thanh khoản của nền kinh tế chưa thực sự tốt khi tăng trưởng dư nợ tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chạm đáy, tăng trưởng cung tiền M2 vẫn đang tạo đáy đi lên nhưng vẫn thấp so với quá khứ.

    Điểm sáng là quyết tâm hạ lãi suất của Chính phủ rất cao. Tổng hoà các yếu tố, chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nới lỏng trong những tháng cuối năm.

    Bên cạnh đó, tăng trưởng thị trường cũng khá khả quan khi bất động sản đã “tan băng”, sản xuất thoát đáy dù tốc độ hồi phục chưa rõ ràng, tiêu dùng đã chạm đáy rõ rệt và đang trên đà phục hồi.

    Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh nhận định chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng nhưng cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất. “Chính sách tiền tệ hiện đang thực hiện khá thận trọng và bài bản. Khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, Chính Phủ có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng để tạo đà cho nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh chính sách tài khoá không còn quá nhiều dư địa, chính sách tiền tệ vẫn đóng vai trò chủ đạo”, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *