Sau nhịp hồi có phần hơi “vội”, VN-Index đang chững lại rõ rệt trong hai phiên gần đây và điều chỉnh về 1.223 điểm. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, chỉ số cũng đã có hai lần “lùi bước” trước ngưỡng cản. Động lực tăng suy yếu, nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường đã xác lập xu hướng giảm ngắn hạn.
Nhiều lực cản cho đà tăng của thị trường
Bàn về sự suy yếu của thị trường trước vùng cản, ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc Nghiên cứu và phân tích đầu tư FIDT cho rằng có nhiều yếu tố tác động.
Thứ nhất, định giá của VN-Index đã phục hồi về mức trung bình giai đoạn từ 2012 đến nay, rõ ràng xét theo P/E hay P/B thì thị trường đều không còn rẻ nhưng cũng không đắt. Thậm chí định giá nhiều nhóm ngành đã tương đương lúc VN-Index ở mức 1.400 điểm.
Dù xét về định giá P/B, cần phân tích sâu hơn về con số P/B này. Hiện nay, nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vốn hóa thị trường và định giá P/B của nhóm ngân hàng đa phần vẫn nằm ở vùng khá thấp so với lịch sử định giá của nhóm này. Do đó, nếu loại trừ nhóm này thì P/B của nhiều nhóm ngành không còn rẻ.
Thứ hai, khối ngoại đang bán ròng mạnh ở các thị trường cận biên, mới nổi và chúng ta chứng kiến đà bán mạnh của khối ngoại ở thị trường chứng khoán Việt Nam, tập trung bán mạnh từ giữa tháng 8 tới nay. Do đó, hành động của khối ngoại cũng gây áp lực lên chỉ số.
Thứ ba, sau phiên giảm mạnh với thanh khoản đột biến vào ngày 18/8 thì thị trường phục hồi khá mạnh. Do đó, nhiều nhà đầu tư bắt đáy thành công sẽ co xu hướng chốt lãi ngắn hạn, còn nhà đầu tư “kẹp” hàng thì thường có xu hướng thoát khi giá cổ phiếu phục hồi khi về đỉnh cũ.
Thứ tư, đà lao dốc của nhóm cổ phiếu bất động sản ảnh hưởng đến xu hướng thị trường chung. Nhóm cổ phiếu BĐS đã thu hút dòng tiền mạnh mẽ kể từ đầu năm khi chính sách chuyển sang hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Đặc thù của nhóm cổ phiếu BĐS là thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân nên các cổ phiếu BĐS khá nhạy cảm với tin tức.
Khi kết hợp hai yếu tố là đà phục hồi trước đó đã quá mạnh mẽ, nhiều cổ phiếu tăng hơn 100% và tính chất nhạy cảm thông tin, khi thị trường có các tin “xấu” về nhóm ngành này hoặc một số doanh nghiệp lớn trong ngành dễ dẫn đến hiện tượng bán tháo, khiến cổ phiếu giảm hàng hoạt.
Vừa qua cũng xuất hiện khá nhiều tin không mấy tích cực liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản niêm yết như NVL chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, DXG bị xử phạt liên quan dự án Gem Sky World kết hợp với sự tiêu cực của thị trường chung đã kích hoạt tâm lý bán mạnh với đặc thù của nhóm ngành này.
Nhà đầu tư cần theo dõi sát động thái của khối ngoại
Dù thị trường bị tác động bởi nhiều yếu tố không mấy tích cực, song chuyên gia đến từ FIDT vẫn bỏ ngỏ khả năng VN-Index đã xác lập đỉnh. Bởi, trong lịch sử, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh đầu giai đoạn phục hồi và đạt mứ định giá không còn quá rẻ thì sau đó chỉ số vẫn sẽ tiếp tục đi lên.
Tuy nhiên cần chú ý vào 2 đặc tính của thị trường giai đoạn này, đó là mức tăng trưởng sau đó sẽ không mạnh như giai đoạn trước nữa và trong giai đoạn tăng sắp tới của thị trường sẽ chứng kiến nhiều pha điều chỉnh (correction) hơn giai đoạn trước đó, thậm chí khá sâu.
Với quan điểm trên kết hợp với việc đà bán ròng của khối ngoại còn mạnh, ông Huỳnh Hoàng Phương đánh giá thị trường trong ngắn hạn sẽ sideways trong biên độ lớn. Nếu khối ngoại duy trì bán ròng mạnh, VN-Index hoàn toàn có thể test lại các mốc hỗ trợ như 1.200.
Đánh giá về triển vọng thị trường những tháng cuối năm, vị chuyên gia dự báo thị trường sẽ tích lũy lâu trước khi chinh phục các mốc cao hơn 1.250-1.300 điểm vào cuối 2023 (tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần theo dõi động thái của khối ngoại).
Về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc sử dụng đòn bẩy cao thì nên tập trung vào quản trị rủi ro và hạ tỷ trọng trong những lúc thị trường tăng trong phiên, đặc biệt với những vị thế trading ngắn hạn.
Ngược lại, đây cũng là cơ hội mua tích lũy cho cá nhà đầu tư đang cầm nhiều tiền mặt, hoặc tiếp tục mở mua cho các vị thế trung hạn trong những phiên thị trường giảm sắp tới.
Để lại một phản hồi