“Chúng đang đến”, một quan chức Mỹ có quyền tiếp cận các kế hoạch hỗ trợ an ninh cho Ukraine ngày 8/9 đề cập tới khả năng viện trợ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) phóng từ pháo phản lực HIMARS, đồng thời lưu ý kế hoạch có thể thay đổi cho tới khi được công bố.
Một quan chức Mỹ khác cho biết tên lửa ATACMS “đang được cân nhắc” và có thể nằm trong gói viện trợ quân sự dành cho Ukraine sắp tới, song quyết định cuối cùng chưa được đưa ra. Theo quan chức này, có thể mất vài tháng nữa Ukraine mới nhận được tên lửa ATACMS.
Với tầm bắn lên tới 300 km tùy biến thể, tên lửa ATACMS có thể cho phép Ukraine tập kích mục tiêu xa gấp gần 4 lần so với các loại rocket của pháo phản lực HIMARS và Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt (MLRS) M270 mà họ đã được viện trợ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới nay vẫn từ chối yêu cầu viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine, dù Anh và Pháp đã chuyển tên lửa Storm Shadow/SCALP EG với khả năng đánh trúng mục tiêu cách 250-560 km. Quyết định này đến từ việc giới chức Mỹ lo ngại leo thang căng thẳng với Nga và nguy cơ cạn kho tên lửa ATACMS.
Tuy nhiên, hai quan chức Mỹ cho biết phát hiện “đáng ngạc nhiên” rằng nước này có nhiều tên lửa ATACMS trong kho hơn ước tính ban đầu “có thể giúp chính quyền Tổng thống Biden dễ dàng hơn trong lựa chọn viện trợ vũ khí”. Chưa rõ tình trạng sẵn sàng chiến đấu và biến thể cụ thể trong số tên lửa mới được tìm thấy này.
ATACMS có nhiều biến thể, từ loại với đầu đạn nổ mạnh tới loại mang theo hàng trăm quả đạn con. Ngoài việc cho phép tập kích vị trí của lực lượng Nga ở khoảng cách xa hơn, khiến đối phương khó đáp trả, ATACMS có thể giúp Ukraine tấn công thêm nhiều mục tiêu ở bán đảo Crimea.
Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự hơn 43,7 tỷ USD cho Ukraine từ khi chiến sự giữa nước này với Nga bùng phát cuối tháng 2/2022. Mỹ ban đầu chuyển vũ khí cá nhân, sau đó viện trợ pháo phản lực HIMARS, tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, thiết giáp hạng nặng M2 Bradley, xe tăng chủ lực M1 Abrams và gần đây cam kết huấn luyện phi công F-16 cho Ukraine.
Áp lực chính trị tại Washington liên quan đến viện trợ quân sự cho Kiev cùng mong muốn thấy nhiều tiến bộ hơn trên chiến trường ngày càng gia tăng, khi lực lượng Ukraine đang triển khai chiến dịch phản công quy mô lớn và cố gắng vượt qua phòng tuyến kiên cố của Nga với hệ thống chiến hào, công sự và bãi mìn dày đặc.
Nguyễn Tiến (Theo ABC News)
Để lại một phản hồi