Người Niger biểu tình yêu cầu Pháp rút quân

Người biểu tình hôm nay tập trung gần một căn cứ có lính Pháp đóng quân ở thủ đô Niamey theo lời kêu gọi của một số tổ chức dân sự phản đối sự hiện diện của quân đội Pháp tại quốc gia Tây Phi này. Họ giơ biểu ngữ có nội dung “Lính Pháp rút khỏi đất nước chúng tôi”.

Habibou Abdou, một trong những người tổ chức biểu tình, trước đó cho biết đây là cuộc biểu tình “lớn nhất” kể từ khi đảo chính xảy ra ở Niger.

Chính quyền quân sự Niger hôm 1/9 cáo buộc Pháp “can thiệp trắng trợn” bằng cách ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Người biểu tình hôm qua cũng tập trung quanh một căn cứ khác của Pháp ở ngoại ô Niamey, hô các khẩu hiệu phản đối Pháp và Tổng thống Emmanuel Macron.

Biểu tình yêu cầu Pháp rút quân khỏi Niger diễn ra tại thủ đô Niamey ngày 2/9. Ảnh: AFP

Biểu tình yêu cầu Pháp rút quân khỏi Niger diễn ra tại thủ đô Niamey ngày 2/9. Ảnh: AFP

Pháp duy trì khoảng 1.500 quân ở Niger để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bazoum đối phó phiến quân Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, quan hệ giữa Niger với Pháp lao dốc sau khi quân đội tiến hành đảo chính lật đổ ông Bazoum cuối tháng 7. Pháp tuyên bố ủng hộ Tổng thống bị lật đổ và từ chối công nhận chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính.

Chính quyền quân sự Niger cũng hủy các thỏa thuận quân sự với Pháp, tuyên bố trục xuất đại sứ Pháp Sylvain Itte và rút quyền miễn trừ ngoại giao của ông, nói rằng sự hiện diện của ông là mối đe dọa đối với trật tự công cộng. Tuy nhiên, Pháp từ chối thực hiện yêu cầu này, nói rằng chính quyền hiện tại không có quyền hợp pháp để trục xuất đại sứ.

Tổng thống Pháp Macron hôm 28/8 ca ngợi công việc của Đại sứ Itte ở Niger, khẳng định ông vẫn ở lại quốc gia Tây Phi này. Ông Macron hôm 1/9 tiếp tục khẳng định chính quyền quân sự ở Niger “không có tính hợp pháp” và Pháp sẽ đưa ra quyết định liên quan Niger “trên cơ sở trao đổi với Tổng thống Bazoum”.

Chính quyền quân sự Niger nhiều lần chỉ trích Pháp, trong đó cáo buộc Paris muốn can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực cho ông Bazoum, đồng thời cho rằng Pháp chi phối Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS). Khối Tây Phi đã kích hoạt lực lượng thường trực để sẵn sàng can thiệp vào Niger.

Huyền Lê (Theo AFP, Press TV)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*