Ông Biden công bố hành lang kết nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu

Dự án cơ sở hạ tầng mang tên Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu được công bố trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi. Đây là một trong những sáng kiến quan trọng mà Nhà Trắng đang thúc đẩy trên trường quốc tế.

Dự án nhằm kết nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu thông qua các tuyến đường sắt, đường thủy, cáp dữ liệu tốc độ cao và cả đường ống năng lượng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Arab Saudi, Israel, UAE và Jordan sẽ tham gia sáng kiến này. “Đây là thỏa thuận lớn. Nó sẽ góp phần đưa Trung Đông thành khu vực thịnh vượng, ổn định và hội nhập hơn”, ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ công bố dự án cùng các lãnh đạo Ấn Độ, Arab Saudi, UAE, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Ủy ban châu Âu. Ông Biden cho biết dự án sẽ tạo ra hành lang kinh tế giữa Ấn Độ, Trung Đông và EU.

“Chúng tôi sẽ đầu tư vào các tuyến đường sắt và đường thủy từ Ấn Độ đến châu Âu qua ngả Arab Saudi, UAE, Jordan và Israel”, ông chủ Nhà Trắng nói thêm.

Theo ông Biden, dự án sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và xuất khẩu, cũng như giúp chuyển giao năng lượng sạch và cung cấp dịch vụ Internet nhanh chóng, ổn định cho các nước Trung Đông.

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman xác nhận quốc gia này sẽ tham gia vào dự án với khoản đầu tư 20 tỷ USD. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi dự án là sáng kiến mang tính đột phá, “sẽ định hình lại khu vực và Israel”.

Dự án cơ sở hạ tầng được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm đạt thỏa thuận lớn với Arab Saudi, có thể bao gồm thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa quốc gia này và Israel.

Hành lang kết nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu. Đồ họa: India Today

Hành lang kết nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu. Đồ họa: India Today

G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm hơn 90% tổng quy mô kinh tế và 2/3 dân số toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 là nơi các lãnh đạo thảo luận những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy chính sách liên quan đến ổn định tài chính và định hướng phát triển kinh tế thế giới.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc hôm nay, ông Biden dự kiến lên đường thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngọc Ánh (Theo Axios)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*