Ông Putin: Nga kiếm gấp đôi số tiền bị phương Tây đóng băng

“Tôi biết rằng vàng và dự trữ ngoại hối của Nga đang bị phương Tây đóng băng, nhưng chúng tôi thu về gấp đôi số đó”, Tổng thống Vladimir Putin ngày 12/9 cho biết tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở Vladivostok.

Ông Putin cho rằng số tài sản gần 300 tỷ USD bị đóng băng “không đáng lo ngại bằng việc các ngân hàng nước ngoài đánh mất niềm tin của người gửi tiền”.

Theo ông, hành động này của phương Tây đã khiến nhiều quốc gia hạn chế giao dịch bằng đồng USD và không gửi dự trữ ngoại tệ ở ngân hàng Mỹ. Dự trữ ngoại tệ, có thể ở dạng tiền gửi ngân hàng hoặc trái phiếu chính phủ, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống tiền tệ và tỷ giá hối đoái của một nước.

“Họ đang nghĩ xem liệu có đáng để gửi dự trữ ngoại tệ ở Mỹ hoặc đâu đó tại châu Âu hay không”, ông Putin nói, tái khẳng định quyết định đóng băng tài sản Nga ở nước ngoài là không thể chấp nhận được. “Đó không phải tài sản của tôi, mà là của các công ty, doanh nhân”.

Mỹ và các đồng minh phương Tây chưa bình luận về phát biểu của Tổng thống Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự sự kiện ở vùng Primorsky, ngày 11/9. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự sự kiện ở vùng Primorsky, ngày 11/9. Ảnh: AFP

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ vàng, ngoại tệ của Moskva, như một phần trong các lệnh trừng phạt. Dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga giảm 8,4% năm 2022.

Hồi tháng 3, Ngân hàng Trung ương Nga tái khởi động việc công bố dữ liệu về cơ cấu dự trữ nhà nước. Tính đến tháng 8, số vàng và dự trữ ngoại hối của nước này đạt 580,5 tỷ USD.

Trong khi đó, Washington và Brussels vẫn tranh cãi nên sử dụng số tài sản bị đóng băng của Nga như thế nào để hỗ trợ Ukraine. Một số quan chức phương Tây cho rằng nên tịch thu tài sản bị đóng băng Nga, song lo ngại điều này đi kèm thách thức pháp lý rất lớn.

Luật pháp quốc tế không cho phép tịch thu tài sản dự trữ của một chính phủ ở nước ngoài, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Việc các nước tịch thu dự trữ ngoại tệ, vàng của Nga sẽ đánh dấu bước đi chưa từng có tiền lệ, có thể làm tăng lo ngại về rủi ro khi gửi tài sản dự trữ ở nước ngoài, giới chuyên gia cho biết.

Đức Trung (Theo RT, Sputnik, RFE/RL)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*