Kế hoạch này được gọi là “Tầm nhìn 2030”, được dẫn dắt bởi Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman – nhà lãnh đạo 38 tuổi đầy tham vọng, người đang cố gắng củng cố vị thế của mình cũng như tạo ảnh hưởng cho vương quốc này trên trường quốc tế vào cuối thập kỷ.
Ả Rập Xê Út đã “mở hầu bao” để đầu tư hàng tỷ USD vào mọi lĩnh vực từ thể thao đến truyền thông và giải trí như một phần của đầu tư quốc tế nhằm giúp đa dạng hóa nền kinh tế ngoài dầu mỏ.
Tất cả những điều này khiến Ả Rập Xê Út đang trở thành một quốc gia hấp dẫn hơn bao giờ hết. Dưới đây là cái nhìn sâu hơn của tờ Business Insider về mọi thứ, từ GDP đến việc làm ở vương quốc vùng Vịnh này.
Một nền kinh tế ở chế độ bùng nổ
Giống như nhiều quốc gia khác, nền kinh tế Ả Rập Xê Út gặp khó khăn khi đại dịch COVID-19 bùng nổ vào năm 2020, nhưng kể từ đó đã có bước tăng trưởng vượt bậc.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ả Rập Xê Út lần đầu tiên vượt 1 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, trong khi GDP bình quân đầu người ở mức 30.436 USD, tăng gần 50% chỉ sau hai năm.
Giai đoạn tăng trưởng này giúp Ả Rập Xê Út đảm bảo vị trí là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm G20 vào năm ngoái, được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng GDP phi dầu mỏ 4,8% do giá năng lượng toàn cầu cao cũng như sự bùng nổ trong các lĩnh vực như xây dựng và vận tải.
Dầu vẫn là vua
Theo Business Insider, Ả Rập Xê Út có thể đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ như một phần trong kế hoạch “Tầm nhìn 2030” cho một nền kinh tế đa dạng, nhưng rõ ràng đây vẫn là một thách thức đối với nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Mức tăng trưởng kinh tế 8,7% của nước này trong năm ngoái là do giá dầu tăng cao. Saudi Aramco – công ty dầu khí quốc doanh của Ả Rập Xê Út – đã huy động được 25,6 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng (IPO) vào năm 2019, đạt mức lợi nhuận kỷ lục 161 tỷ USD vào năm ngoái.
Bất chấp thực tế đó, Ả Rập Xê Út vẫn muốn tăng tỷ trọng xuất khẩu phi dầu mỏ trong GDP phi dầu mỏ từ 18,7% lên 50%.
Tiền đang đổ vào khắp nơi
Theo Business Insider, cả ở trong nước lẫn quốc tế, Ả Rập Xê Út đều không ngại đầu tư lượng tiền mặt khổng lồ. Các khoản đầu tư chủ yếu được thực hiện bởi Quỹ Đầu tư Công (PIF) – quỹ tài sản có chủ quyền đầy quyền lực của vương quốc này do Thống đốc Quỹ Yasser al-Rumayyan đứng đầu.
Đây là đối tác đầu tư đằng sau những thương vụ ngoạn mục trong lĩnh vực thể thao như việc Ả Rập Xê Út mua lại Newcastle United và việc sáp nhập giải LIV Golf với PGA Tour – động lực thúc đẩy các khoản đầu tư trong nước của Ả Rập Xê Út vào các dự án lớn như NEOM và Khu nghỉ dưỡng Biển Đỏ.
PIF tiết lộ vào tháng 8 rằng tài sản được quản lý đã vượt quá 2,23 nghìn tỷ riyal (594 tỷ USD) vào năm 2022. Khoảng 1/4 số tài sản đó là tài sản quốc tế.
Dân số trẻ
Dân số Saudi còn trẻ và đang phát triển. Theo Tổng cục Thống kê Ả Rập Xê Út, dân số nước này đạt 32,2 triệu vào tháng 5, với độ tuổi trung bình là 29.
Theo một cuộc điều tra dân số năm 2022 được Reuters đưa tin, dân số nước này đã tăng 1/3 trong 13 năm qua và hơn một nửa số người Ả Rập Xê Út dưới 30 tuổi.
Theo Business Insider, tỷ lệ thanh niên muốn gia nhập lực lượng lao động cao là một trong những thách thức lớn nhất của Ả Rập Xê Út và nước này đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế cũng như tạo cơ hội cho lao động trẻ.
Trung tâm dành cho người nước ngoài
Ả Rập Xê Út, cùng với nhiều quốc gia khác trong thế giới Ả Rập, là điểm đến chính của người nước ngoài. Theo Reuters, hơn 40% tổng dân số của vương quốc này không phải là người Ả Rập Xê Út.
Đất nước này có thời gian phụ thuộc rất nhiều vào lao động nhập cư, nhiều người trong số họ làm việc trong các lĩnh vực như nông nghiệp và dịch vụ gia đình.
Business Insider ước tính dựa trên khảo sát lực lượng lao động chính thức tại Ả Rập Xê Út, tỷ lệ thất nghiệp của nước này ở mức 5,1% trong quý I năm nay. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 52,4% – 61,7% đối với công dân Ả Rập Xê Út, và 75,2% đối với người không phải công dân Ả Rập Xê Út.
Phụ nữ Saudi Arabia cũng ít có cơ hội làm việc hơn, với tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 25 đến 54 tuổi là 15,7%, so với chỉ 3,5% ở nam giới cùng độ tuổi.
Tương quan so với các quốc gia vùng Vịnh
Theo Business Insider, các nền kinh tế vùng Vịnh có chung đặc điểm là đều phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ hoặc khí đốt.
Trong khi Ả Rập Xê Út là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm G20 vào năm ngoái thì các quốc gia vùng Vịnh khác như Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng có mức tăng mạnh.
Ả Rập Xê Út đã ghi nhận tổng GDP lớn nhất trong Liên đoàn Ả Rập vào năm ngoái. Nền kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD lập kỷ lục của nước này có quy mô lớn hơn gấp đôi so với UAE. Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Ả Rập Xê Út đã giảm xuống dưới mức được ghi nhận tại Qatar, UAE và Kuwait.
Để lại một phản hồi