Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang có chuyến thăm chính thức tới Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Ông nói chuyến công du lần này là minh chứng cho thấy “tầm quan trọng chiến lược” của quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moskva, theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA.
Trả lời truyền thông sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim ngày 13/9, Tổng thống Putin nêu khả năng hai nước hợp tác về kỹ thuật quân sự, dù Bình Nhưỡng bị áp đặt nhiều hạn chế bởi các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân, tên lửa của nước này.
Khi đón ông Kim ngày 12/9, Bộ trưởng Tài nguyên và Sinh thái Nga Alexander Kozlov mô tả Nga và Triều Tiên là “bạn tốt trong 75 năm qua” và “hai bên đã ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau với tư cách láng giềng, đối tác thân thiết”.
Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử.
Sau Thế chiến II, bán đảo Triều Tiên được chia làm hai phần. Với sự ủng hộ của Liên Xô, ông Kim Nhật Thành thành lập nhà nước Triều Tiên năm 1948, trong khi nhà nước Hàn Quốc được thành lập ở phía nam với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Hai năm sau, Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ khiến hàng triệu người thiệt mạng, trước khi chấm dứt nhờ hiệp định đình chiến vào năm 1953.
Liên Xô sau đó tiếp tục cung cấp hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Triều Tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Năm 1961, ông Kim Nhật Thành và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev ký hiệp ước, trong đó Moskva cam kết bảo vệ Bình Nhưỡng trong trường hợp bị tấn công.
Ông Kim Nhật Thành từng tới Moskva hai lần vào năm 1984 và 1986 và gặp lãnh đạo Mikhail Gorbachev trong chuyến thăm thứ hai.
Tuy nhiên, mối quan hệ đặc biệt kết thúc vào năm 1990, khi Gorbachev thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc và Triều Tiên cáo buộc đồng minh “phản bội”.
Liên Xô tan rã năm 1991, mở ra một chế độ mới ở Nga, thiện chí với phương Tây hơn đồng thời giảm hỗ trợ cho Triều Tiên. Năm 1992, tổng thống Boris Yeltsin quyết định ngừng gia hạn hiệp ước liên minh quân sự với Bình Nhưỡng và cắt viện trợ cho Triều Tiên, tuyên bố thỏa thuận này chỉ “tồn tại trên giấy tờ”.
Sau khi Tổng thống Vladimir Putin nắm quyền lãnh đạo Nga vào năm 2000, ông tích cực tìm cách khôi phục quan hệ giữa Moskva với Bình Nhưỡng.
Vài tháng sau khi nhậm chức, ông Putin tới Bình Nhưỡng để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Chuyến thăm này khiến ông Putin trở thành lãnh đạo Nga đầu tiên thăm Triều Tiên. Ông Putin và ông Kim Jong-il đã nhất trí nối lại quan hệ và ký thỏa thuận hợp tác quân sự sâu rộng.
Tổng thống Nga sau đó tiếp đón lãnh đạo Triều Tiên trong các chuyến thăm liên tiếp vào năm 2001 và 2002.
Dù quan hệ song phương nồng ấm hơn, Nga đã hai lần ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với Triều Tiên vào giữa đến cuối những năm 2000, liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nga cũng tham gia các cuộc đàm phán thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy lợi ích an ninh và kinh tế.
Song các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, với sự tham gia của cả Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản với Triều Tiên, đã sụp đổ vào tháng 12/2008 mà không đạt được bất cứ kết quả nào.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tới thăm Nga lần thứ ba và cũng là cuối cùng vào năm 2011, 4 tháng trước khi ông qua đời. Con trai ông là Kim Jong-un kế nhiệm cha. Năm sau, Nga đồng ý xóa 90% khoản nợ 11 tỷ USD cho Triều Tiên.
Song Nga, cùng với Trung Quốc, tiếp tục ủng hộ các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Triều Tiên vào năm 2016 và 2017, khi Bình Nhưỡng tăng cường thử tên lửa và hạt nhân. Các biện pháp trừng phạt bao gồm hạn chế nguồn cung dầu và ngăn xuất khẩu lao động Triều Tiên.
Năm 2017, ông Kim Jong-un nỗ lực hàn gắn quan hệ với Nga và Trung Quốc sau khi khởi động tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ và Hàn Quốc.
Khi các cuộc đàm phán với chính quyền tổng thống Donald Trump sụp đổ hai năm sau đó, ông Kim Jong-un đã tới thành phố Vladivostok ở miền đông Nga để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với Tổng thống Putin. Hai lãnh đạo đã cam kết mở rộng hợp tác, nhưng cuộc họp không mang lại kết quả thực chất.
Khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine vào năm 2022, Bình Nhưỡng đã ủng hộ Moskva, tuyên bố rằng “chính sách bá quyền” của phương Tây đã khiến ông Putin phải đưa quân sang nước láng giềng.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên, dù Bình Nhưỡng đã tiến hành số vụ thử tên lửa kỷ lục trong năm qua. Hồi tháng 4/2022, Moskva và Bắc Kinh phủ quyết dự thảo lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Bình Nhưỡng, tạo ra chia rẽ đầu tiên trong Hội đồng Bảo an về vấn đề Triều Tiên kể từ khi các lệnh trừng phạt được ban hành năm 2006.
Mỹ sau đó cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn pháo và một số vũ khí cho tập đoàn quân sự tư nhân Wagner ở Nga, nhưng cả Moskva và Bình Nhưỡng đều bác bỏ, cho rằng đây là thông tin “bịa đặt” của Washington.
Song đồn đoán về hợp tác quân sự hai nước lại nổi lên khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thăm Triều Tiên hồi tháng 7. Trong thời gian ở Bình Nhưỡng, ông Shoigu đã chứng kiến lễ duyệt binh lớn, nơi Triều Tiên phô diễn các loại tên lửa tầm xa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Lãnh đạo Kim Jong-un cũng dẫn ông Shoigu đi tham quan triển lãm quốc phòng của Triều Tiên.
Sau chuyến thăm của ông Shoigu, ông Kim Jong-un đã tới thăm các nhà máy sản xuất vũ khí của Triều Tiên. Giới chuyên gia cho rằng động thái này nhằm khuyến khích nỗ lực hiện đại hóa vũ khí của Triều Tiên, cũng như kiểm tra nguồn dự trữ đạn pháo và các khí tài khác.
Trong tiệc chiêu đãi với Tổng thống Putin ngày 13/9, lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ tin tưởng Nga sẽ giành “chiến thắng vang dội” trước các đối thủ “theo đuổi chủ nghĩa bá quyền, bành trướng và tham vọng”, cũng như trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)
Để lại một phản hồi