“Tổng thống Joe Biden đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ. Nhưng do điều kiện chưa cho phép, Tổng Bí thư chưa thực hiện được chuyến thăm đó và đã gửi thư mời Tổng thống Biden thăm Việt Nam”, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nói trong cuộc họp báo hôm nay tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Ngọc, để thực hiện chuyến thăm, phía Mỹ đã có những nỗ lực chưa từng có tiền lệ, điều chỉnh chương trình hoạt động đối ngoại của cả Tổng thống và Phó Tổng thống.
“Tổng thống Mỹ đã cử Phó Tổng thống dự hội nghị cấp cao Đông Á tại Indonesia thay ông và bản thân ông đã phải rút ngắn chương trình họp thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ để thực hiện chuyến thăm Việt Nam”, ông Ngọc cho hay.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden cuối cùng đã diễn ra đúng như dự định và là “một thành công lớn”. Trong khoảng 24 giờ thăm Việt Nam, Tổng thống Biden đã gặp 4 lãnh đạo chủ chốt của nước chủ nhà, thể hiện sự tôn trọng của Mỹ đối với thể chế chính trị, lãnh đạo Việt Nam, không chỉ trong văn bản Tuyên bố chung mà còn trên thực tế, Thứ trưởng Ngoại giao cho hay.
“Tổng thống Biden và đoàn Mỹ rất ấn tượng, hài lòng và nhiều lần trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam về sự đón tiếp chu đáo, thịnh tình và mến khách”, ông nói.
Sau cuộc hội đàm ngày 10/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden ra Tuyên bố chung về xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Ông Ngọc cho hay cuộc đàm phán để ra Tuyên bố chung diễn ra sôi nổi, hào hứng và “có phần kịch tính”, bởi đây là quá trình hai bên rà soát 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện, định các phương hướng hợp tác lớn trong tương lai.
“Cả hai bên đều thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau”, ông nói. “Tuyên bố chung dài 8 trang, gồm 10 trụ cột hợp tác, bao trùm tất cả các lĩnh vực, chứa nhiều kỳ vọng, cảm xúc mà hai bên gửi gắm”.
Thứ trưởng Ngoại giao cho rằng việc nâng cấp quan hệ tạo lợi ích trước mắt và lâu dài cho cả hai bên. Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ với Mỹ đi vào thực chất, có chiều sâu, hiệu quả. Trong khi đó, Mỹ có thể tăng quan hệ với Việt Nam, đối tác quan trọng trong khu vực, cũng như với ASEAN.
“Đây sẽ là nền tảng quan trọng cho quan hệ hai nước trong nhiều năm tới, đồng thời củng cố lòng tin của cả hai đảng ở Mỹ với Việt Nam, làm chính sách đối ngoại của hai nước ổn định, bền vững và dễ đoán định hơn”, Thứ trưởng nói.
Theo ông, ngoài thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, hợp tác trên các kênh và giao lưu nhân dân, quan hệ Việt – Mỹ thời gian tới sẽ chú trọng vào kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là lĩnh vực đột phá, còn hợp tác phát triển hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực… là những lĩnh vực ưu tiên.
Hai bên cũng sẽ coi trọng các lĩnh vực hợp tác khác như khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục đào tạo, xử lý các vấn đề toàn cầu như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, y tế, chống khủng bố.
“Lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tạo khuôn khổ để phát triển ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước”, Thứ trưởng Ngọc phát biểu.
Cùng việc phát triển quan hệ với Mỹ, Việt Nam cũng thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và bạn bè, đối tác quan trọng như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba, Ấn Độ…, góp phần tạo cục diện đối ngoại rộng mở, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, tạo đan xen lợi ích sâu rộng.
“Đây là kết quả đánh dấu mốc trưởng thành của chính sách đối ngoại tổng thể của Việt Nam, đồng thời khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình hữu nghị và chính sách quốc phòng ‘4 không'”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đức Trung
Để lại một phản hồi