Truyền thông Ukraine ngày 13/9 dẫn lời Yaroslav Halas, phát ngôn viên Lữ đoàn Sơn cước số 128, cho biết đơn vị này vừa biến xe tăng chiến lợi phẩm thu được của Nga thành một “quả bom di động khổng lồ” để tấn công vị trí Nga tại tỉnh Zaporizhzhia.
Theo Halas, chiếc xe tăng T-62 này được quân đội Ukraine thu giữ khi Nga rút khỏi thành phố Kherson năm ngoái. Do pháo chính bị hỏng, quân đội Ukraine ban đầu biến chiếc xe tăng này thành xe cứu kéo, nhưng sau đó quyết định hoán cải nó thành “xe tăng tự sát”.
Các binh sĩ Lữ đoàn 128 nhồi thuốc nổ và đạn pháo vào bên trong xe tăng, sau đó để một người lính lái nó đến gần phòng tuyến Nga. Vasyl Dudynets, binh sĩ đến từ thành phố Mukachevo ở Zaporizhzhia, đã xung phong thực hiện nhiệm vụ này.
Dudynets cho hay sau khi lái xe tăng nhồi thuốc nổ tới cách phòng tuyến Nga vài trăm mét, anh nhảy ra ngoài, tìm chỗ nấp, để cỗ xe tiếp tục tiến về phía trước và chờ đợi thời cơ kích nổ.
“Tôi biết đó có thể là nhiệm vụ một đi không trở lại. Nếu xe tăng bị đối phương bắn trúng và phát nổ, tôi sẽ chết ngay lập tức”, Dudynets kể.”Nhưng nếu vậy tôi cũng không phải rơi vào cảnh tàn phế, làm khổ vợ con. Bởi vậy, tôi đã xung phong thực hiện nhiệm vụ này khi chỉ huy thông báo”.
Tuy nhiên, vụ tấn công không diễn ra như kế hoạch, do xe tăng T-62 dính phải mìn và phát nổ trong quá trình lao tới theo quán tính, trước khi tiếp cận được công sự của Nga. Dudynets trước đó đã nhảy ra ngoài và chạy về nơi đơn vị đóng quân trước khi xe tăng phát nổ.
“Vụ nổ mà nó gây ra lớn đến nỗi lính Nga ở khu vực đó không còn quấy nhiễu lực lượng chúng tôi nữa”, phát ngôn viên Halas nói.
Đây không phải lần đầu tiên “xe tăng tự sát” xuất hiện trên chiến trường Ukraine. Quân đội Nga trước đó từng nhiều lần áp dụng chiến thuật này để tấn công đối phương.
Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 6 thông báo đã phá hủy một cứ điểm của Ukraine bằng xe thiết giáp MT-LB nhồi 3,5 tấn thuốc nổ và 5 quả bom FAB-100. Các tài khoản mạng xã hội chuyên về chiến sự cũng từng đăng tải nhiều video về khoảnh khắc “xe tăng tự sát” của Nga tấn công phòng tuyến của Ukraine và phát nổ.
Bộ Quốc phòng Anh nhận định phần lớn “xe tăng tự sát” Nga đã phát nổ do trúng mìn của Ukraine trước khi tiếp cận được mục tiêu, nhưng thừa nhận “các vụ nổ lớn” do xe tăng Nga tạo ra có thể “gây ảnh hưởng về tâm lý đối với lực lượng phòng thủ”.
Halas cho hay Dudynets đã được đồng đội gọi bằng biệt danh “kamikaze” sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Kamikaze (Thần Phong) là từ dùng để gọi các phi công lái máy bay tự sát của Nhật Bản trong Thế chiến II.
Bị ngừng sản xuất từ những năm 1970, xe tăng T-62 có khả năng cơ động và hỏa lực kém hơn các mẫu xe tăng hiện đại, dễ bị tiêu diệt bằng vũ khí chống tăng thông thường.
Từ cuối năm ngoái, Nga bắt đầu rút hàng nghìn xe tăng T-62 từ kho niêm cất để chuyển chúng tới chiến trường Ukraine, nhằm bổ sung lực lượng cho các đơn vị thiết giáp đã bị tổn thất nặng nề sau nhiều tháng giao tranh.
Thay vì dùng cho nhiệm vụ chiến đấu, xe tăng T-62 được Nga sử dụng như những bệ pháo di động, làm lực lượng dự phòng cho pháo binh, cung cấp hỏa lực yểm trợ tầm xa cho các đơn vị bộ binh và tham gia những cuộc đột kích chớp nhoáng vào điểm yếu trong phòng tuyến của đối phương.
Quân đội Ukraine hồi đầu năm tuyên bố thu được nhiều chiếc T-62 từ tay lực lượng Nga, thêm rằng sẽ sửa chữa và cải tạo để tiếp tục đưa chúng quay lại chiến trường.
Phạm Giang (Theo Business Insider, Kyiv Post)
Để lại một phản hồi