Sau giai đoạn tăng tích cực nhiều tháng đầu năm, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Xu hướng thị trường trong giai đoạn cuối năm 2023 ra sao là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này.
Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS) đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: N ền kinh tế Việt Nam đã đón nhận nhiều thông tin tích cực, đặc biệt là dòng vốn nước ngoài dự kiến sẽ gia tăng, ông đánh gi á như thế nào về điều này?
Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS)
9 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023. Đó là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến khó lường. Hiện nay, Việt Nam đã thu hút được dòng vốn đầu tư FDI từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 9 tháng đầu năm, đối tác đứng đầu là Singapore, tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc…Nhờ có những chính sách ưu đãi về thuế cũng môi trường chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào…Việt Nam đã từng bước thu hút dòng vốn nước ngoài mạnh mẽ hơn. Theo đánh giá của chúng tôi, trong thời gian sắp tới, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào một số ngành của Việt Nam như ngành bán dẫn hoặc ngành công nghệ cao.
Tuy nhiên, để gia tăng thu hút và đón nhận những dòng vốn này thì Việt Nam cần phải làm những gì?
Việc Việt Nam và Mỹ nâng tầm mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện được kỳ vọng sẽ gia tăng việc thu hút FDI vào ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai bởi hiện nay các Quốc gia như Mỹ hay Hà Lan…là những nước có doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn lớn trên thế giới và những doanh nghiệp này có thể đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, sự kiện trên cũng có thể giúp thúc đẩy nâng tầm mối quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác lớn khác. Ngoài ra, còn một xu hướng nữa mà các doanh nghiệp có thể chú trọng đón đầu ngay từ bây giờ đó là các dự án xanh. Năm ngoái, dòng vốn chảy vào các quỹ ESG là hơn 100 tỷ USD do vậy việc xanh hóa sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn trên. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ trong việc thấy sự cần thiết của việc áp dụng ESG nên cần phải có sự tác động cụ thể từ chính sách, các chỉ thị rà soát các chuỗi cung ứng, thẩm định quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên vật liệu sản xuất…để các doanh nghiệp hiểu hơn và đón đầu được dòng vốn này.
Trong những dòng vốn đó, dự báo dòng vốn FII vào thị trường tài chính cũng sẽ gia tăng mạnh, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Theo tôi, trong ngắn hạn, chúng ta đang đạt tới hạn về việc thu hút vốn FII do chúng ta đã được đưa lên mức tỷ trọng cao nhất của thị trường cận biên. Trong tương lai, để có thể thu hút thêm dòng vốn này, mấu chốt là việc thị trường chứng khoán Việt Nam phải nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong đó có hai yêu cầu nổi bật cần phải xem xét là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…thì thị trường mới có thể được nâng hạng và qua đó trong tương lai mới có thể thu hút dòng vốn FII mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì vẫn còn có những lo ngại như là dù rằng FED đã quyết định chưa tăng lãi suất lần họp vừa rồi nhưng lãi suất ở Mỹ sẽ có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài do đó sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn vào Việt Nam, ông đánh giá sao?
Thực tế khối ngoại có xu hướng bán ròng chủ đạo trong 2 năm vừa qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ có giai đoạn tháng 9 – tháng 11 năm 2022 là họ mua ròng khi thị trường sụt giảm mạnh. Song, khối ngoại có thể bán ròng nhưng chưa chắc họ đã ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, việc Mỹ duy trì mức lãi suất cao trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tới triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như Việt Nam sẽ gặp áp lực trong việc duy trì song song tỷ giá ổn định và chính sách tiền tệ nới lỏng.
Với những phân tích ở trên, dự báo thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi như thế nào trong thời gian tới?
Chúng tôi dự báo, trong ngắn hạn thị trường chịu áp lực điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.120 – 1.150 điểm, khả năng thị trường giằng co quanh khu vực này theo đơn vị tuần tương đối cao. Còn về trung hạn, xu hướng tăng giá có thể tiếp tục trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Còn nói về các ngành hưởng lợi trong thời gian tới là những ngành như hóa chất, dệt may, thép, thủy sản, bán lẻ, các ngành này được hưởng lợi do sản lượng tiêu thụ tăng, tồn kho giá cao giảm, tỷ giá tăng, nhu cầu thế giới hồi phục đặc biệt là từ Mỹ…Mùa báo cáo quý III/2023 này xu hướng doanh nghiệp vẫn thiên về hồi phục nhiều hơn là tăng trưởng bứt phá, nên nhà đầu tư có thể lựa chọn dần những doanh nghiệp tiềm năng trong năm 2024.
Để lại một phản hồi