Chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong năm khi liên tục sụt giảm mạnh. Từ vùng đỉnh ngắn hạn trên 1.250 điểm, VN-Index đã xuyên thủng mọi ngưỡng hỗ trợ để về dưới 1.028 điểm, tương đương giảm xấp xỉ 18% chỉ sau hơn 1 tháng.
Tính riêng tháng 10, VN-Index đã mất gần 11% – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. Mức giảm nhanh chóng mặt gần như đã xóa sạch mọi thành quả tăng giá của thị trường kể từ đầu năm. Chuỗi lao dốc mạnh khiến vốn hóa HoSE hiện chỉ còn xấp xỉ 4,1 triệu tỷ đồng. Đây là mức vốn hóa thấp nhất của sàn HoSE kể từ cuối tháng 4/2023.
Điều đáng ngại không phải là mức giảm mạnh nói trên, mà là xu hướng giảm gần như không có bất kỳ nỗ lực hãm đà nào. Không còn những phiên giao dịch sôi động lên đến tỷ USD, thanh khoản thị trường liên tục “mất hút” với giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt quanh ngưỡng 12.000-13.000 tỷ đồng. Đặc biệt, thanh khoản vẫn ở mức thấp trong trong những phiên giảm mạnh cho thấy dòng tiền vẫn kiên quyết đứng ngoài, không chịu nhập cuộc khi chưa có tín hiệu tạo đáy rõ ràng.
Đà lao dốc của chứng khoán thời gian qua được nhìn nhận đến từ nhiều sức ép trong và ngoài nước. Theo đó, bối cảnh vĩ mô thế giới vẫn còn nhiều ẩn số khó lường trước những lo ngại Fed có thể sẽ tiếp tục chính sách “diều hâu” hoặc duy trì mức lãi suất cao hiện tại trong thời gian tới. Tâm lý thị trường đang hết sức thận trọng chờ động thái của Fed trong cuộc họp diễn ra trong tuần này.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn neo cao ở mức nhiều năm qua gây áp lực cho nền kinh tế khi đây là mức tham chiếu cho các khoản vay tiêu dùng cho đến thế chấp BĐS. Sức hấp dẫn của cổ phiếu giảm đi khi lợi suất trái phiếu tại Mỹ tăng cao và bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa thực sự khởi sắc.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng lo ngại căng thẳng địa chính trị leo thang có thể dẫn giá dầu tăng mạnh trở lại do đứt gãy nguồn cung. Điều này dấy lên nguy cơ lạm phát bùng tăng trở lại khi và từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mặt khác, đà tăng của đồng USD cũng được cho là ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá và chính sách tiền tệ của Việt Nam. Tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây dấy lên lo ngại SBV có thể mạnh tay hơn về chính sách tiền tệ để giảm bớt căng thẳng tỷ giá.
Về bối cảnh trong nước, dù được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin, song bức tranh KQKD quý 3 đa số vẫn ảm đạm. Kết quả kinh doanh quý 3 được công bố với nhiều con số thấp hơn so với dự báo của các công ty chứng khoán và kỳ vọng của giới đầu tư phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn.
Thêm vào đó, thị trường giảm sâu khiến nhiều cổ phiếu sụt giảm mạnh 30-40% so với đỉnh ngắn hạn, song nếu so với mức tăng 60% -80% kể từ đầu năm của nhiều nhóm ngành, mức điều chỉnh trong thời gian qua có thể vẫn chưa đủ hấp dẫn để kích thích dòng tiền quay trở lại. Phần lớn các nhóm ngành, cổ phiếu đang trong trạng thái downtrend. Dòng tiền chờ bắt đáy dường như vẫn đang chững lại chờ đợi nhiều cổ phiếu cần rẻ và hợp lý hơn nữa.
Trên thực tế, nhịp điều chỉnh của thị trường cũng luôn mở ra cơ hội khi định giá thị trường ở mức phù hợp hơn. Sau nhịp giảm sâu, định giá P/E của VN-Index đã giảm từ mức 14,1 lần vào giữa tháng 9 xuống còn xấp xỉ 12 lần – thấp hơn mức trung bình 5 năm. Định giá hấp dẫn được xem là cơ hội tốt để gia tăng cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn.
Trên quan điểm tích cực, Pyn Elite Fund dự báo nền kinh tế tổng thể sẽ tăng trưởng mạnh cho năm 2024 trên nền so sánh thấp và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng đã được thực hiện trong năm nay. Pyn Elite Fund dự báo tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết trong năm tới sẽ đạt mức cao, khoảng 25–30%.
Tỷ lệ P/S (giá trên doanh thu) chỉ ra rằng TTCK Việt Nam được định giá tương đối thấp so với đầu năm 2022 – thời điểm VN-Index đang giao dịch ở vùng đỉnh gần 1.500 điểm với P/S trên 2. Pyn Elite Fund nhận định thị trường có tiềm năng trở lại mức định giá trên trong 12 tháng tới .
Để lại một phản hồi