Gia tăng “hàng hóa” chất lượng
Cách đây gần 1 năm, VN-Index có thời điểm rơi về sát mức 900 điểm, sự bi quan bao trùm thị trường. Đến tháng 10/2023, VN-Index vừa trải qua nhịp hồi phục mạnh, niềm tin của nhà đầu tư được củng cố, với kỳ vọng sáng hơn về kinh tế vĩ mô, triển vọng doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã hồi phục 14,6%, đang ở quanh mức 1.150 điểm. Dòng tiền trỗi dậy, ghi nhận đều đặn các phiên giao dịch tỷ USD. Sự quan tâm của nhà đầu tư cho thị trường chứng khoán trở lại, tháng 8, cá nhân trong nước mở mới gần 190 nghìn tài khoản, cao nhất trong hơn 1 năm. Tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước vượt mốc 7,6 triệu, tương đương gần 8% dân số.
Niềm tin dần hồi phục, nhưng bài toán trung và dài hạn, làm sao nâng chất thị trường, vẫn là đòi hỏi hóc búa. Việt Nam tiếp tục lỡ hẹn chuyến tàu nâng hạng FTSE. Nếu được nâng hạng, thị trường có khả năng thu hút dòng vốn lớn và ổn định hơn, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tạo tác động lan tỏa… Thế nhưng, đã 5 năm liên tiếp, thị trường Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam chỉ ra, 2 rào cản lớn nhất đến tiến trình nâng hạng là hạn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại), và việc phát hành NVDR.
Theo ông Minh, việc giới hạn room ngoại với ngành ngân hàng ở mức 30%, hay 49% với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không tạo môi trường công bằng với nhà đầu tư nước ngoài. Để giải quyết điểm nghẽn, sự vào cuộc của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Bộ Tài chính là chưa đủ, mà còn cần Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước…
Riêng Bộ Tài chính phải giải quyết vấn đề về phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). NVDR đang được giao dịch sôi động tại thị trường mới nổi Thái Lan, được cho có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, về việc giới hạn room ngoại. Thái Lan dùng NVDR để nâng khả năng tiếp cận chứng khoán của các nhà đầu tư ngoại, dù gặp hạn chế về quyền biểu quyết. Tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 2021 đã đề cập NVDR, nhưng đến nay chưa ghi nhận tiến triển. Bên cạnh 2 yêu cầu trọng yếu trên, các yếu tố như chu kỳ thanh toán hạn chế, sản phẩm phái sinh… cũng cần được cải thiện, có thể trông chờ vào hệ thống KRX sắp tới đi vào vận hành.
Để cùng lúc giải quyết câu chuyện nâng hạng, và câu chuyện thị trường, ông Minh còn nhấn mạnh vào việc cải thiện chất lượng hàng hoá trên sàn. Hiện, vốn hoá thị trường Việt Nam khoảng 160 tỷ USD, gần thấp nhất trong khu vực. Các thị trường mới nổi “láng giềng” như Thái Lan, Indonesia vốn hoá gấp 3-4 lần Việt Nam. “Vào được danh sách mới nổi là một chuyện, nhưng giữ được thứ hạng ấy lại là chuyện khác. Vừa qua, thị trường Pakistan sau 1 năm nâng hạng, đã bị hạ bậc. Để không rơi vào trường hợp này, Việt Nam cần có sự chuẩn bị, bổ sung hàng hoá “lớn”, cải thiện vốn hoá, thanh khoản. Thúc đẩy cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch, có thể tính đến nhóm viễn thông, hiện chưa có đại diện nào trên sàn. Việc gia tăng cổ phiếu vốn hoá lớn còn giúp giảm áp lực của nhóm bất động sản, mang nhiều tính đầu cơ lên chỉ số”, ông Minh phân tích.
Cần có quỹ bão lãnh?
Tỷ lệ huy động nguồn vốn trung và dài hạn của kênh TPDN liên tục sụt giảm. Năm 2021, tỷ lệ này ở mức 60,6%, đến năm 2022 giảm về 31,7%, và nửa đầu năm 2023 là 17,1%. Vai trò của thị trường TPDN dần giảm sút, khiến hệ thống ngân hàng phải tiếp tục gánh vác hoạt động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Trong khi đó, giai đoạn này, Việt Nam cần nhu cầu vốn rất lớn cho các hoạt động phát triển kinh tế. Việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ vào vận hành, hơn 100 mã trái phiếu đã lên sàn, sự ra đời của các thông tư, nghị định gỡ khó… giúp thị trường ấm dần lên, dù áp lực đáo hạn còn đè nặng, cùng nhiều vấn đề rủi ro tồn tại ở các nhà phát hành.
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, phát hành TPDN đạt khoảng 140.000 tỷ đồng. Tốc độ hồi phục của thị trường TPDN hiện nay chậm và khó có sự bứt phá 12 tháng tới xét về môi trường lãi suất cũng như sức cầu vốn của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
“Chúng tôi cũng đã trình các kiến nghị tới Chính phủ để qua đó có chỉ đạo tới NHNN, Bộ Kế hoạch đầu tư, sớm xử lý các yêu cầu để nâng hạng thị trường”, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN.
Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM) cũng không hi vọng thị trường có sự bứt phá thời gian tới mà cho rằng sự hồi phục sẽ diễn ra từ từ. “Hiện quy mô thị trường TPDN Việt Nam còn rất nhỏ, chỉ khoảng 11% GDP trong khi so sánh các nước bên cạnh 30-40% GDP. Tôi tin rằng, thị trường đã qua giai đoạn khủng hoảng và đi vào giai đoạn hồi phục dần dần”, bà Giao nhận định.
Để khôi phục, phát triển thị trường trái phiếu, khai thông kênh huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup khuyến nghị xem xét thành lập quỹ bảo lãnh TPDN. Việt Nam hiện thiếu các định chế tài chính trung gian trong đó có nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng hoặc bảo lãnh trái phiếu. Bên đứng ra bảo lãnh sẽ thực hiện cam kết thanh toán một phần, hoặc toàn bộ nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành trong trường hợp rủi ro. Tổ chức bảo lãnh này có thể do tư nhân thành lập và hoạt động bởi các định chế tài chính – đầu tư lớn của Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Vai trò của định chế cung cấp dịch vụ bảo lãnh nhằm tạo chất xúc tác, niềm tin để các nhà đầu tư tham gia mua các trái phiếu có kỳ hạn dài, được các tổ chức bảo lãnh uy tín cao đảm bảo nghĩa vụ thanh toán. Định chế này sẽ kích thích phát triển cơ chế đầu tư, đưa dòng tiền nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp vào kênh đầu tư dài hạn thay vì chỉ tập trung gửi tại ngân hàng.
Để lại một phản hồi