Góc nhìn chuyên gia: Khả năng VN-Index test lại đáy cũ cần được tính đến

TIN MỚI

    Cú đảo chiều đột ngột của VN-Index trong phiên giao dịch cuối tuần khiến nhà đầu tư rơi vào thế bị động. Phiên giảm 24 điểm trong phiên 17/11 “thổi bay” mọi nỗ lực tăng điểm của chỉ số trong cả tuần, VN-Index lùi sâu về ngưỡng 1.101 điểm. Điều đáng nói là thanh khoản thị trường cũng tăng đột biến trong phiên cuối tuần với giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần 22.800 tỷ đồng – mức cao nhất trong gần 2 tháng qua.

    Đa số các chuyên gia đưa ra góc nhìn tương đối thận trọng với xu hướng của VN-Index tuần tới. Khả năng cao thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc bất ngờ và kịch bản test lại đáy cũ vẫn cần được tính đến. Dù cho rằng vị thế ngắn hạn nên cẩn trọng trước những biến động của thị trường, song các chuyên gia vẫn cho rằng nhịp điều chỉnh vẫn là cơ hội tốt để tích luỹ cổ phiếu cho tầm nhìn dài hạn.

    Khả năng test lại đáy cũ cần được tính đến

    Ông Lâm Gia khang – Trưởng Bộ phận chiến lược thị trường Chứng khoán Vietinbank (CTS)

    Bên cạnh những thông tinliên quan đến nhóm cổ phiếu “họ” VinGroup, áp lực điều chỉnh xuất hiện sau khi thị trường vừa trải qua một đợt tăng điểm mạnh từ đầu tháng 11, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức lợi nhuận khoảng 20 – 30% trong khoảng thời gian tương đối ngắn khiến nhà đầu tư có xu hướng muốn chốt lãi để bảo toàn thành quả bắt đáy.

    Đáng chú ý, việc lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục xuống mức thấp nhất trong lịch sử đã kích hoạt dòng tiền chuyển sang các tài sản có yếu tố rủi ro cao hơn, khiến giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán vượt mốc 1 tỷ USD trong phiên giao dịch 17/11. Dù vậy, việc thanh khoản tăng mạnh trong phiên thị trường giảm điểm ở giai đoạn hiện tại khá rủi ro và áp lực bán sẽ tiếp tục dâng cao trong các phiên tiếp theo.

    Ngoài ảnh hưởng tâm lý từ vụ việc VinFast, chuyên gia CTS dự báo thị trường tuần tới có thể tiếp tục chịu áp lực trước những thông tin tiêu công bố vào cuối tuần. Khả năng thị trường quay lại test đáy cũ 1.020 điểm cầnđược tính đến, nhà đầu tư cần thận trọng trước mọi biến động mạnh của chỉ số.

    photo-1700212361781-1700212362253909313766.png.webp

    Dù trong ngắn hạn tiềm ẩn nhiều biến động nhưng bối cảnh vĩ mô nhiều điểm sáng cũng hỗ trợ phần nào cho chỉ số trong dài hạn. Dấu hiệu tích cực hiện tại đến từ sự sụt giảm khá mạnh của tỷ giá USD/VND so với giai đoạn cuối tháng 10 khi đạt mốc 24.250 VNĐ tính đến ngày 17/11. Kết quả trên đến từ hành động chống đầu cơ tỷ giá của NHNN khi đẩy mạnh phát hành tín phiếu và các ảnh hưởng từ đợt tăng mạnh lãi suất từ năm 2022 đã bắt đầu thể hiện rõ ràng hơn, khiến Fed tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 11 và chỉ số DXY giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9.

    Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cũng đang ghi nhận dấu hiệu tích cực hơn so với giai đoạn đầu năm, tính đến 10 đạt khoảng 7,39% theo số liệu công bố của NHNN. Bên cạnh đó, thanh khoản trên thị trường bất động sản cũng đang ghi nhận những dấu hiệu ấm dần lên. Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS), quý III/2023, lượng tiêu thụ đạt khoảng 5.770 giao dịch, gấp 1,5 lần so với quý trước, xấp xỉ 28% tổng cung mở bán mới, gần bằng 90% so với cùng kỳ Nhưng rủi ro tiềm ẩn vẫn rất nhiều.

    Về chiến lược thời điểm này, nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị hạ tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt về mức 33/67 nhằm sẵn sàng đối phó với các biến động mạnh của thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tuần và thận trọng khi xu hướng giảm với khối lượng lớn xảy ra. Trong khi đó, nhà đầu tư trung dài hạn được khuyến nghị tiến hành đánh giá lại toàn bộ các khoản đầu tư trong danh mục.

    Quan sát kỹ mốc 1.080 điểm

    Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam

    Sau quãng tăng nhanh và mạnh từ đáy, thị trường quay đầu giảm mạnh trước áp lực chốt lời bảo toàn lợi nhuận của nhà đầu tư. Đà giảm mạnh bắt đầu khi xuất hiện thông tin về cổ phiếu “họ” Vingroup cho thấy hiện tại thị trường đang thiếu trầm trọng thông tin hỗ trợ, tâm lý nhà đầu tư thận trọng nên chỉ cần một thông tin xấu có thể kích hoạt lực bán dâng lên mạnh mẽ.

    Về tín hiệu từ thanh khoản dâng cao trong phiên giảm mạnh, chuyên gia Yuanta cho rằng thông thường đây là một tín hiệu không mấy tích cực cho thấy áp lực bán tháo đang mở rộng. Dù vậy, điểm sáng trong phiên này là không có hiệu ứng domino giảm đồng loạt ở tất cả các nhóm cổ phiếu mà có sự phân hoá rõ rệt. Mặc dù cổ phiếu vốn hoá lớn bị chốt lời mạnh, nhưng nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ vẫn giữ vững phong độ. Điều này phần nào cho thấy lực cầu bắt đáy giá thấp có thể vẫn đang chờ đợi thị trường về vùng cân bằng để giải ngân.

    Trong bối cảnh tâm lý thị trường chưa thực sự ổn định sau phiên cuối tuần và nhiều nhà đầu tư vẫn đang “tìm cớ” để bán, chuyên gia Yuanta cho rằng thông tin liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát có thể tác động đến thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những thông tin này có thể không tác động mạnh như thời điểm năm 2022. Trong trường VN-Index vẫ giữ vững mốc 1.080 điểm, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị vi phạm và nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ.

    Yếu tố quan trọng nhà đầu tư cần quan sát tuần tới là thanh khoản, nếu thanh khoản tiếp tục được duy trì, đà tăng của chỉ số sẽ được củng cố. Bên cạnh đó, trường hợp nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường là nhóm bất động sản quay trở lại đà tăng với thanh khoản cải thiện sẽ giúp thị trường tránh áp lực bán trong tuần tới.

    Với quan điểm đây chỉ là nhịp điều chỉnh trong xu hướng tăng và thị trường chưa gãy trend tăng ngắn hạn, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh, tận dụng cơ hội để giải ngân trong tuần giao dịch tới.

    Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

    Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect

    Chuyên gia VNDirect cho rằng xu hướng phục hồi của các chỉ số chứng khoán chưa bị vi phạm sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua. Bên cạnh đó, vĩ mô đang cho thấy xu hướng cải thiện khá tích cực. Cụ thể, áp lực tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh thị trường tin rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành. Tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép chính sách tiền tệ “dễ thở hơn”. Trong 6 phiên đấu thầu gần nhất, Ngân hàng nhà nước đã dừng hẳn việc phát hành tín phiếu và bơm ròng trở lại thị trường nhờ lượng tín phiếu cũ đáo hạn.

    Tính từ đầu tháng 11, NHNN đã bơm ròng trở lại hơn 108.000 tỷ đồng và kéo lượng tín phiếu lưu hành giảm về còn gần 100.400 tỷ đồng. Động thái này đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trở lại.

    Do đó, lo ngại về nguy cơ “đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước” đã được gỡ bỏ và điều này sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những tuần giao dịch cuối năm. Ngoài vấn đề tỷ giá và chính sách tiền tệ, nhiều chỉ báo cho thấy đà phục hồi tăng trưởng của Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện. Liên tiếp trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại với tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước.

    Đồng thời, các chỉ báo khác liên quan tới công nghiệp, dòng vốn FDI cũng cho thấy xu hướng cải thiện tích cực. Trong bối cảnh đó, tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi tích cực và là lực đẩy cho thị trường chứng khoán từ nay tới Tết âm lịch.

    Do vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong xu thế đi lên của thị trường để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý IV như nhóm xuất khẩu (thép, đồ gỗ, nội thất,…), đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *