Sau năm 2023 đầy biến động, chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực hơn trong năm 2024 nhờ môi trường lãi suất thuận lợi và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khả quan, theo chia sẻ của ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV tại “Investment Outlook 2024: Đi tìm tăng trưởng” do FinPeace tổ chức mới đây.
Nhìn lại chứng khoán năm 2023, ông Đức Anh cho rằng thị trường chủ yếu vận động theo xu hướng đi ngang dù lãi suất huy động giảm rất mạnh, nguyên nhân là do tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm mạnh. Dù có khá nhiều biến số vĩ mô có thể tác động đến xu hướng thị trường, song chuyên gia KBSV cho rằng lãi suất và tăng trưởng lợi nhuận vẫn là hai yếu tố nòng cốt tác động đến chứng khoán.
Bước sang năm 2024, chuyên gia KBSV nhìn nhận dù lãi suất khó nới lỏng thêm, song vẫn sẽ duy trì mức ổn định. Nguyên nhân do áp lực lạm phát có thể giảm nhẹ hơn so với năm 2023 khi CPI Mỹ đã có xu hướng hạ nhiệt nhanh chóng, lạm phát Việt Nam cũng duy trì trong mức kiểm soát. Vấn đề tỷ giá cũng không đáng ngại khi đồng USD có thể tiếp tục suy yếu khi lạm phát đang trên đà giảm, thị trường việc làm hạ nhiệt, kinh tế Mỹ có phần suy yếu.
Thị trường hiện đều đồng thuận khả năng Fed có thể hạ lãi suất vào năm 2024. Cùng chiều, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có thêm cơ sở để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. “Lãi suất huy động hiện đã ở quanh mức đáy nên khó để giảm tiếp, song lãi suất cho vay có độ trễ nên vẫn còn dư địa giảm thêm. Điều này vẫn có thể tác động tích cực đến chứng khoán”, Giám đốc vĩ mô KBSV nhận định.
Về vấn đề tăng trưởng lợi nhuận 2024, ông Trần Đức Anh đánh giá tích cực khi so sánh với mức nền thấp trong năm 2023. Với mức dự báo tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6-6,5% nhờ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thuận lợi, hút vốn FDI, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp thường có thể duy trì mức tăng 15-20% tương ứng.
Dù hai yếu tố lãi suất và lợi nhuận doanh nghiệp đều khả quan, song chuyên gia cho rằng vẫn cần xét trên yếu tố định giá. Định giá P/E của VN-Index hiện không quá hấp dẫn, song cũng không phải đắt.
“Với xu hướng lãi suất đang có xu hướng giảm nhẹ và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng cao, TTCK có cơ sở để tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Nếu không xảy ra những sự kiện xấu bên ngoài, triển vọng VN-Index sẽ khá sáng cửa khi lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi”, chuyên gia KBSV đánh giá.
Đồng thuận với quan điểm tích cực trên, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT FinPeace dự báo năm 2024 là thị trường sẽ có 2 giai đoạn tích cực rõ ràng. Đầu tiên là từ giữa đến cuối tháng 4/2024, sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2024. Thứ hai là giai đoạn cuối năm khi sự tự tin của nhà đầu tư về thị trường quay trở lại. Những mã cổ phiếu trụ cột về vùng sâu dưới định giá sẽ là nòng cốt cho đợt tăng trở lại của VN-Index.
Trong đó, vùng 1.200-1.250 sẽ đóng vai trò kháng cự quan trọng cần được vượt qua của VN-Index để tiếp tục xu hướng tăng dài hạn. Thời điểm VN-Index bứt phá khỏi khu vực kháng cự này có thể đến vào giữa hoặc cuối năm 2024. Nếu bứt phá thành công, nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận đột biến cho danh mục.
“Nếu năm 2023 là thị trường dành cho các nhà đầu cơ giao dịch ngắn hạn thì năm 2024 sẽ là lúc nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu giá trị vào đầu năm và tìm kiếm lợi nhuận đột biến trong nửa cuối năm”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Để lại một phản hồi