HPG:
“Chúng tôi đang dồn toàn lực vào quả đấm thép trên 3 tỷ USD. Dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả ” – Khẳng định của Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 cho thấy tầm quan trọng của dự án Khu liên hiệp Dung Quất 2 đối với tương lai Hòa Phát. Vì thế, tiến độ của dự án được giới đầu tư rất quan tâm.
Theo kế hoạch, dự án KLH Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Hòa Phát dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.
Theo báo cáo mới đây của VNDirect, trong 9 tháng đầu năm 2023, ước tính Hòa Phát đã giải ngân 3.300 tỷ đồng đầu tư TSCĐ cho KLH Dung Quất 2. Tổng vốn đầu tư TSCĐ lũy kế đã giải ngân đến cuối quý 3/2023 là 12.700 tỷ đồng. CTCK này đánh giá việc giải ngân chậm là hợp lý vì Hòa Phát muốn đảm bảo thanh khoản và tránh môi trường lãi suất tương đối cao trong nửa đầu năm 2023.
VNDirect kỳ vọng Hòa Phát sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong giai đoạn 2024-25 để đảm bảo việc tăng công suất sản xuất HRC từ 3 triệu tấn hiện tại lên 6 triệu tấn trong nửa cuối năm 2025 (50% công suất thiết kế sẽ được đưa vào vận hành từ giai đoạn 1 của KLH Dung Quất 2). Sau khi được vận hành tối đa, dự án sẽ nâng cao triển vọng tăng trưởng của Hòa Phát giai đoạn 2025-27 với tốc độ tăng trưởng kép ước tính 30% khi bổ sung thêm 6 triệu tấn HRC vào công suất hiện tại.
Hòa Phát là tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay, hoạt động trong 5 lĩnh vực bao gồm Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng), Sản phẩm thép (ống thép, tôn mạ kẽm, thép dây cán nóng, vỏ container và thép dự ứng lực), Nông nghiệp, Bất động sản, Điện máy gia dụng.
Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi, chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Với công suất trên 8,5 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn nắm giữ thị phần số 1 ViệtNam về thép xây dựng, ống thép, top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam.
Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương với công suất sản xuất thép thô đạt 8,5 triệu tấn/năm. Ngoài ra, Hòa Phát còn 1 lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm.
Tháng 11/2023, Hòa Phát đã sản xuất 623.000 tấn thép thô, tương đương tháng trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 709.000 tấn, tăng 12% so với tháng 10 và tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức sản lượng bán cao nhất của tập đoàn trong 20 tháng.
Lũy kế 11 tháng, Hòa Phát đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô, giảm 14% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 5,96 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3,3 triệu tấn, giảm 15% so với 11 tháng 2022. Hoạt động xuất khẩu các loại thép này đóng góp 695.000 tấn, giảm 37%. Phôi thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu là 109.000 tấn.
Để lại một phản hồi