Thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của DNSE ngay trong những ngày đầu năm 2024 đang thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Lần đầu tiên sau 5 năm, thị trường mới có một công ty chứng khoán tiến hành IPO. Thương vụ được kỳ vọng sẽ mang đến một làn gió mới cho thị trường chứng khoán sau nhiều năm thiếu hàng hoá chất lượng lên sàn do các hoạt động đấu giá cổ phần diễn ra ảm đạm.
Những con sóng gắn liền với các “bom tấn” IPO
Nhìn lại lịch sử phát triển hơn 23 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng trải qua không ít đợt sóng thần đẩy VN-Index tăng chóng mặt. Dù bối cảnh khác nhau nhưng những lần nổi sóng thực sự trong quá khứ đều mang đậm dấu ấn của làn sóng ồ ạt các “bom tấn” IPO lên sàn chứng khoán.
Giai đoạn 2006-07, một làn sóng doanh nghiệp đình đám “đổ bộ” lên sàn đã đẩy VN-Index lần đầu tiên lên đỉnh 1.200 điểm. Chỉ trong 2 năm, HoSE đã đón thêm hơn 100 cổ phiếu mới trong đó có hàng loạt “tên tuổi” như Vingroup (VIC), FPT, Hòa Phát (HPG), Nhựa Bình Minh (BMP), Dược Hậu Giang (DHG), Sacombank (STB), SSI, PV Drilling (PVD), Bimico (BMC), Sudico (SJS),… Hầu hết các cổ phiếu từng có thị giá cao “ngất ngưởng” đều lập kỷ lục trong khoảng thời gian này.
Bên cạnh đó, hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa nhiều tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế cũng diễn ra sôi động, điển hình là các thương vụ cổ phần hoá của Bảo Việt, PVFC, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank… Đặc biệt, thương vụ IPO của Vietcombank còn tạo ra sức ảnh hưởng lớn và được giới đầu tư cả trong và ngoài nước quan tâm.
11 năm sau lần đầu lập đỉnh, VN-Index trở lại đỉnh cũ sau con sóng kéo dài hơn 2 năm với động lực đến từ những thương vụ IPO “đình đám” giai đoạn 2015-18. Bên cạnh các doanh nghiệp dầu khí có vốn Nhà nước như Petrolimex (PLX), PV Power (POW), PV Oil (OIL), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), nhóm tư nhân với các “bom tấn” như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Vietjet Air (VJC), VPBank (VPB),… cũng để lại dấu ấn đậm nét.
Thêm nữa, giai đoạn này còn chứng kiến bước ngoặt với sự ra đời Quyết định 51/2014/QĐ-CP. DNNN sau cổ phần hóa bắt buộc phải lên sàn chứng khoán đã tạo ra một làn sóng hàng hoá mới, trong đó có nhiều “tên tuổi” đáng chú ý như Cảng Hàng không (ACV), VEAM (VEA), DAP – Vinachem (DDV), Tập đoàn Cao su (GVR), Becamex IDC (BCM), EVNGENCO 3 (PGV), Sabeco (SAB), Habeco (BHN)…
Từ 2018 đến nay, các thương vụ IPO “bom tấn” xuất hiện ngày càng ít. Làn sóng các ngân hàng lên sàn chứng khoán theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. VN-Index lên đỉnh 1.500 điểm đầu năm 2022 chủ yếu nhờ môi trường tiền rẻ.
Nhiều “bom tấn” IPO trở thành Bluechips trên sàn chứng khoán
IPO thành công phần nào đó chứng tỏ sức hút của doanh nghiệp qua đó tạo tiền đề để cổ phiếu có thể “toả sáng” sau khi lên sàn chứng khoán. Thực tế, dù không phải tất cả nhưng rất nhiều “bom tấn” IPO đã trở thành Bluechips (cổ phiếu của công ty có uy tín và tình hình tài chính vững chắc, giá trị vốn hóa thị trường lớn).
Những ví dụ điển hình có thể kể đến như Vietcombank, Vingroup, Vinhomes, Vinamilk, Sabeco, Hòa Phát, FPT,… Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành thường xuyên nằm trong top đầu thị trường chứng khoán với vốn hóa hàng tỷ USD. Một số trường hợp như Vietcombank, FPT còn đi lên bền bỉ mang lại hiệu suất đầu tư gấp hàng chục lần cho những cổ đông trung thành.
Riêng trong ngành chứng khoán, SSI sau khi IPO thành công đã nhanh chóng vươn lên trở thành công ty chứng khoán hàng đầu với giá trị có thời điểm lên đến 2,5 tỷ USD. Điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng DNSE có thể tiếp nối thành công của các “tiền bối” với thương vụ IPO đang rất được chú ý.
Thực tế, bối cảnh thị trường ở từng ở thời điểm hiện tại đã khác rất nhiều so với trong quá khứ. Số lượng nhà đầu tư đã tăng gấp nhiều lần sẽ là cơ hội để các “tân binh” tạo ra sự chú ý. Triển vọng của ngành chứng khoán cũng được đánh giá lạc quan khi câu chuyện nâng hạng ngày càng rõ ràng và hệ thống mới KRX đang rất gần ngày “go live”.
Mặt khác, việc thị trường có rất nhiều lựa chọn chất lượng sẽ phần nào hạn chế dòng tiền vào các tân binh ít tên tuổi hơn. Điều này đòi hỏi các công ty thực hiện IPO phải có một chiến lược toàn diện để tạo ra sự khác biệt. Với sự hậu thuẫn từ hệ sinh thái fintech của Encapital, công nghệ chính là chìa khoá giúp DNSE tiếp cận nhanh và trực diện nhất đến nhà đầu tư.
Thành quả DNSE thu được chính là 400.000 khách hàng mới trong năm 2023, nằm trong top đầu thị trường. Chất lượng tệp khách hàng cũng được cải thiện với tổng giá trị tài sản của tất cả khách hàng quản lý trung bình vào khoảng gần 20.000 tỷ đồng và giá trị giao dịch trung bình qua DNSE hơn 7.000 tỷ đồng/tháng trong năm 2023.
Nhờ đó, kết quả kinh doanh của DNSE cũng liên tục tăng trưởng qua từng năm. Năm 2023, công ty chứng khoán này ước đạt 721 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 245 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 60% và 160% so với cùng kỳ 2022. Đây sẽ là hành trang vững chắc để DNSE mang lên sàn chứng khoán và hiện thực hóa tham vọng trở thành công ty tỷ USD trong tương lai.
Để lại một phản hồi