Vấn đề quản trị rủi ro luôn là một trong các yếu tố quan trọng bậc nhất, đặc biệt đối với các doanh nghiệp niêm yết, thông tin luôn cần minh bạch và công khai với các cổ đông. Bước sang 2024 dự báo vẫn còn những khó khăn và thách thức nên vấn đề nâng cao quản trị rủi ro càng được doanh nghiệp chú trọng thúc đẩy hơn. Vậy làm thế nào để vừa nâng cao hoạt động quản trị rủi ro trong doanh nghiệp lại vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt?
Trao đổi trong Talk Show Phố Tài chính trên VTV8, ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, có thể việc xây dựng hệ thống quản trị trong doanh nghiệp ban đầu sẽ gặp những khó khăn nhưng về dài hạn sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro tốt mà còn giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững cũng như bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông và nhà đầu tư.
BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động quản trị rủi ro trong doanh nghiệp nói chung ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong năm 2023, các doanh nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức?
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS)
Trong quản trị doanh nghiệp, vai trò đầu tiên đó chính là việc nhận biết, đo lường về quản trị rủi ro của các doanh nghiệp. Bởi vì rất nhiều các doanh nghiệp từ trước đến nay tập trung nhiều vào việc phát triển kinh doanh và đâu đó họ đã bỏ quên và đánh giá thấp vai trò quản trị rủi ro. Và trong năm 2023, đã có nhiều doanh nghiệp niêm yết đầu tư về con người và hệ thống để xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tốt hơn, khi hệ thống quản trị rủi ro được đánh giá cao, được xây dựng một cách cẩn trọng chính là nền tảng cho các doanh nghiệp niêm yết phát triển, giảm thiểu những cái rủi ro về tài chính và những rủi ro về thị trường, đảm bảo hoạt động kinh doanh tốt hơn cũng như bảo vệ lợi ích của của đối tác, của các nhà đầu tư và các cổ đông được tốt hơn.
Chính bởi vậy, đối với chúng tôi trong suốt hơn 23 năm hoạt động, một trong những tiêu chí hàng đầu đối với chúng tôi là luôn luôn xây dựng hệ thống cảnh báo quản trị rủi ro, hệ thống quản trị rủi ro thị trường để làm sao đảm bảo hoạt động tốt nhất, đem lại cái hiệu quả kinh tế cho công ty, cho cổ đông và cho nhà đầu tư.
Tại các thị trường chứng khoán phát triển, yếu tố quản trị rủi được chú trọng như thế nào?
Trước đây, tôi từng làm việc cho nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài và thấy rằng họ luôn đặt hệ thống quản trị rủi ro lên hàng đầu. Họ tách biệt giữa quản trị rủi ro với bộ phận kinh doanh để họ đảm bảo rằng các lợi ích không bị xung đột và cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển bền vững và ổn định. Tuy là tách biệt nhưng bộ phận quản trị rủi ro sẽ luôn bổ sung và luôn cảnh báo cho bộ phận kinh doanh để làm sao và bám sát tuân thủ và đảm bảo các hoạt động kinh doanh diễn ra an toàn và hiệu quả.
Đơn cử tại Anh, hệ thống rủi ro họ đầu tư rất lớn, nhưng sau đó nhờ vào việc các bộ phận kinh doanh bám sát, tuân thủ rủi ro đã tiết kiệm được rất nhiều các chi phí về tổn thất tài chính xảy ra. Một ví dụ điển hình đã xảy ra tại ngân hàng Barings (Barings Bank) ở Anh, khi chỉ vì một số nhân sự tại ngân hàng này, đặc biệt là bộ phận về trading đã có hành vi vi phạm, đã dẫn đến sự thiệt hại hàng chục tỷ USD cho ngân hàng. Nếu so với việc đầu tư về hệ thống quản trị rủi ro ngay từ ban đầu thì chi phí chỉ bằng một phần ba hoặc rất thấp hơn rất nhiều so với những con số thiệt hại về tài chính mà do những sự không tuân thủ của các nhân sự hay hệ thống gây ra. Chính vì vậy, việc đầu tư vào hệ thống, đầu tư vào con người để đảm bảo tính quản trị doanh nghiệp luôn là một yếu tố hết sức cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp niêm yết.
Có ý kiến cho rằng, việc quá thận trọng trong quản trị rủi ro sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm lại hơn, theo ông quan điểm này có đúng không?
Tôi cho rằng các doanh nghiệp ở Việt Nam trong những năm gần đây đã nhận thức được việc tại sao quản trị doanh nghiệp, trong đó có quản trị rủi ro được đặt lên hàng đầu. Trong thời gian đầu rất nhiều doanh nghiệp khi xây dựng hệ thống có thể nhiều các bộ phận phòng, ban cảm thấy rằng nó phức tạp, hay cản trở hoạt động của các bộ phận trong hệ thống. Nhưng khi đi vào áp dụng đúng những tiêu chí về quản trị rủi ro, đó chính là nền móng cho các doanh nghiệp phát triển và rồi sau đó các doanh nghiệp lại tiếp tục đầu tư mạnh hơn cho hệ thống, nó là một vòng tròn giúp cho các doanh nghiệp bứt phá tăng trưởng một cách bền vững. Nếu một hệ thống tốt, nhân sự tốt, tính tuân thủ tốt thì không chỉ là sự phát triển đối với doanh nghiệp mà còn là lối đi bền vững và lâu dài giữa các đối tác và cho các nhà đầu tư.
Ở ACBS chúng tôi, xuyên suốt hơn 23 năm hoạt động, tính quản trị rủi ro, tính quản trị luôn luôn được đặt lên hàng đầu và từ tập đoàn mẹ ACB cho đến các tập đoàn con. Đặc biệt, chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán nên sẽ luôn đề cao vai trò xây dựng tính hệ thống, các quy trình, quy chế để đảm bảo tất cả các bộ phận hoạt động tuân thủ theo các quy định của pháp luật và đảm bảo nhà đầu tư tham gia giao dịch an toàn và hiệu quả, cũng như các đối tác đi cùng với chúng tôi cũng cảm thấy rằng khi kết hợp với những doanh nghiệp mà có tính quản trị rủi ro cao thì luôn đáng tin cậy. Chúng tôi sử dụng mô hình 3 tuyến bảo vệ trong quản lý rủi ro như tuyến bảo vệ thứ nhất được thực hiện ngay tại đơn vị kinh doanh, đơn vị cung cấp dịch vụ, đơn vị tạo ra và thực hiện các quyết định có rủi ro; tuyến bảo vệ thứ hai được thực hiện bởi các đơn vị có chức năng quản lý rủi ro, giảm thiểu rủi ro bao gồm Phòng Quản lý rủi ro và Phòng Pháp chế; tuyến bảo vệ thứ ba bao gồm Phòng Kiểm soát nội bộ và Bộ phận Kiểm toán nội bộ, 2 đơn vị này có trách nhiệm kiểm soát/kiểm toán nội bộ để đảm bảo các hoạt động của tuyến thứ nhất và tuyến thứ hai hiệu quả theo quy định của pháp luật và của nội bộ. Chính sách quản lý rủi ro tại ACBS được thực hiện xuyên suốt từ Hội đồng Thành viên, Hội đồng quản lý rủi ro, Ban điều hành và toàn thể phòng/ban, nhân viên của Công ty.
Bước sang năm 2024, theo dự báo của ông, thị trường chứng khoán sẽ như thế nào và các doanh nghiệp sẽ phải chú trọng đến hoạt động quản trị doanh nghiệp như thế nào?
Về tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt nền kinh tế lớn nhất đó là Mỹ, hiện nay các chỉ số vĩ mô cũng đang dần cải thiện. Hiện, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tạm dừng tăng lãi suất, lạm phát cũng đã giảm đi và giới đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ điều chỉnh giảm. Đây sẽ là những tín hiệu rất quan trọng cho nền kinh tế thế giới. Trong nước, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng với tốc độ trên 5% trong năm 2023. Chính phủ cũng như các bộ ngành đang đẩy mạnh đầu tư công và tôi tin rằng trong năm 2024 Chính phủ sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư và kích thích đầu tư công để tăng trưởng nền kinh tế. Còn về chính sách tiền tệ, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh giảm rất kịp thời và là động lực cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là những điểm tích cực cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong năm 2024.
Vậy đối với nhà đầu tư cần phải làm gì để quản trị danh mục của mình tốt hơn, lựa chọn được doanh nghiệp tốt để đầu tư?
Đối với các nhà đầu tư, vấn đề rủi ro khi họ tham gia và đầu tư mua và bán chứng khoán thì việc đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết có tính quản trị tốt và quản lý rủi ro cao sẽ đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư. Hiện nay, bộ phận phân tích của chúng tôi đang cung cấp các đánh giá về các ngành nghề và cũng như cập nhật về tình hình hoạt động kinh doanh của các ngành để giúp hỗ trợ cho các nhà đầu tư khi tham gia họ sẽ được cập nhật. Chúng tôi chọn lọc ra những ngành nghề có tốc độ tăng trưởng tốt và lựa chọn những doanh nghiệp niêm yết mà đang đầu tư rất nhiều cho quản trị doanh nghiệp cũng như quản trị rủi ro.
Trong năm 2024, căn cứ trên bối cảnh như đã chia sẻ ở trên, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng nhóm ngân hàng là nhóm dẫn dắt VN-Index tăng trưởng trong năm 2024, nhờ khả năng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 trong môi trường lãi suất ổn định ở mức thấp, nợ xấu giảm dần và nền định giá của nhóm ngành này còn thấp trong năm 2023. Nhóm chứng khoán cũng được hưởng lợi từ bối cảnh lãi suất thấp và nỗ lực cải thiện hệ thống để hướng tới mục tiêu nâng hạng mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy đầu tư công sẽ giúp cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam được cải thiện. Vì vậy, chúng tôi cũng dư kiến nhóm ngành vật liệu xây dựng, xây dựng và nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ là nhóm ngành tiếp tục được hưởng lợi trong năm nay. Một số doanh nghiệp thuộc nhóm xuất khẩu (thủy sản, dệt may) sẽ có sự phục hồi về doanh số xuất khẩu khi nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu quay trở lại. Bất động sản nhà ở và du lịch, tiêu dùng sẽ là các nhóm ngành phục hồi chậm hơn, dự kiến vào nửa cuối năm 2024 nhờ hiệu ứng tăng trưởng kinh tế tích cực hơn.
Để lại một phản hồi