GAS:
Sáng 29/5, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS – mã GAS) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 nhằm thông qua nhiều nội dung quan trọng trong đó đáng chú ý có kế hoạch kinh doanh 2024; phương án phân phối lợi nhuận, cổ tức tiền mặt; kế hoạch tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu,…
Kế hoạch kinh doanh đi lùi
Về kế hoạch kinh doanh 2024, PV Gas đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 70.716 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.798 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 51% so với thực hiện 2023. Đây là chỉ tiêu lợi nhuận thấp nhất kể từ khi PV Gas niêm yết năm 2012. Kế hoạch thận trọng được xây dựng trên cơ sở đánh giá năm 2024 còn nhiều thách thức.
Theo PV Gas, nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt nguồn khí từ hệ thống Nam Côn Sơn 1, Hàm Rồng – Thái Bình. Nguồn khí có giá rẻ giảm sâu, thay thế vào đó là nguồn khí có giá cao (Thiên Ưng, Đại Hùng, Sao Vàng – Đại Nguyệt, PM3 – Cà Mau mua từ Petronas) chiếm tỷ trọng lớn.
PV GAS đưa vào vận hành dự án kho LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải trong năm 2023 và các dự án thành phần, sẽ bổ sung thêm nguồn khí khoảng 1,4 tỷ m3/năm cấp cho khách hàng trong giai đoạn nguồn trong nước suy giảm. Tuy nhiên cơ chế bán LNG cho sản xuất điện vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Khách hàng Điện dự kiến tiêu thụ khí thiếu ổn định (do dự báo giá than năm 2024 thấp hơn bình quân năm 2023, năng lượng tái tạo tăng,…); nhóm khách hàng Điện mới (Nhơn Trạch 3&4) thiếu ổn định trong giai đoạn vận hành thử. Khách hàng công nghiệp dự kiến tiếp tục gặp khó khăn từ các yếu tố bên ngoài; khu vực phía Bắc có thể phát triển thêm khách hàng tiêu thụ khí, nhưng bị hạn chế bởi khả năng cấp của mỏ Hàm Rồng – Thái Bình, hiện đang xây dựng hệ thống cung cấp bù bằng LPG (dự kiến cấp từ quý II/2024) để bổ sung thêm nguồn khí cũng như xây dựng phương án đưa LNG từ miền Nam ra bằng các ISO Container, tuy nhiên còn phụ thuộc rất lớn vào giá thành.
Thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn cung, giành thị phần, kéo mặt bằng giá xuống thấp làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh; giá LPG biến động thất thường khó dự đoán, rủi ro kinh doanh liên quan đến giá khá cao, việc kinh doanh trong nước cũng như quốc tế sẽ khó khăn.
Sự cố phía thượng nguồn có xu hướng ngày một tăng và thường kéo dài thời gian dừng/gián đoạn cấp khí; chi phí bảo dưỡng sửa chữa cho các công trình khí ngày một lớn, trong khi sản lượng khí đưa về bờ ngày một giảm, làm tăng giá thành các sản phẩm khí.
Quý đầu năm 2024, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần đạt 23.315 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế lại giảm 26% so với cùng kỳ 2023, xuống mức 2.544 tỷ đồng, hoàn thành 44% kế hoạch cả năm.
Năm 2023 trước đó, kết quả kinh doanh của PV GAS sụt giảm so với năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần đạt mức 90.000 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 28% so với năm 2022, xuống còn 11.739 tỷ đồng.
Cổ tức khủng và tăng vốn
Kết quả kinh doanh đi lùi nhưng PV Gas lại gây sốc khi trình kế hoạch cổ tức khủng năm 2023 lên đến 60% bằng tiền mặt (01 cổ phiếu nhận 6.000 đồng). Đây là mức cổ tức bằng tiền cao nhất từ trước đến nay của tổng công ty. Với gần 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, “đại gia” ngành khí dự chi khoảng 13.780 tỷ đồng để trả cổ tức. Phần lớn số tiền sẽ thuộc về cổ đông Nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do nắm quyền chi phối đến 95,79% cổ phần tại PV Gas.
PV Gas muốn dốc hầu bao chi cổ tức khủng trong bối cảnh doanh nghiệp đang ôm núi tiền mặt khổng lồ. Tính đến cuối quý 1/2024, PV Gas là quán quân tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) với số dư lên đến 42.613 tiền (1,7 tỷ USD), tăng gần 1.900 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm hơn 46% tổng tài sản của tổng công ty.
Ngoài ra, PV Gas còn có kế hoạch phát hành hơn 45,9 triệu cổ phiếu (tương đương với tỷ lệ 2%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Giá trị cổ phiếu phát hành dự kiến (tính theo mệnh giá) là hơn 459,3 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện quyền dự kiến là 50:01 (mỗi cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được 01 quyền nhận thêm cổ phiếu, cứ 50 quyền nhận thêm cổ phiếu sẽ được nhận 01 cổ phiếu mới).
Nguồn vốn phát hành là từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển được xác định tại thời điểm ngày 31/12/2023 theo Báo cáo tài chính riêng năm 2023 được kiểm toán của PV Gas. Cổ phiếu phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến là sau khi ĐHĐCĐ biểu quyết thông qua và sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành, dự kiến từ Quý 2-4/2024.
Sau đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ của PV Gas sẽ tăng từ 22.967 tỷ đồng lên 23.426 tỷ đồng. Theo PV Gas, việc thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2024 bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu nhằm đảm bảo cân đối cơ cấu giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu cũng như tương xứng với quy mô sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư.
Để lại một phản hồi