Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, cho biết so với thời điểm đầu năm thì tỉ giá đã tăng khoảng 10%. Các đối tác, nhà cung cấp trong nước hiện vẫn giữ giá như cũ do có nguồn hàng dự trữ. Song, nếu tỉ giá tiếp tục neo giữ hoặc tăng tiếp trong thời gian tới thì khả năng nhều mặt hàng tăng giá sẽ rất cao.
“Các hãng điện thoại lớn thường cố định tỉ giá quy đổi hằng năm, trừ khi có biến động lớn. Ví dụ năm 2023, tỉ giá cũng tăng 10% và nhiều hãng đã có động thái điều chỉnh giá sản phẩm hoặc cắt giảm bớt sự hỗ trợ. Nếu tỉ giá tiếp tục giữ cao trong thời gian tới thì rất có thể các hãng sẽ điều chỉnh giá tăng như trong năm 2023” – ông Huy nhận xét.
Theo ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Thương mại hệ thống FPT Shop, công ty đã dự báo về nguồn hàng hoá và có kế hoạch chuẩn bị từ trước. Do đó, hiện nay, FPT Shop vẫn đảm bảo giữ mức giá ổn định và chưa ghi nhận tác động, ảnh hưởng từ việc tỉ giá tăng. Tuy nhiên, nếu tỉ giá vẫn tiếp tục neo ở mức cao, thời gian tới, thị trường hàng công nghệ có thể tăng giá đầu vào khoảng 2%-3%.
Ông Kha cho biết FPT Shop đã trao đổi hợp tác dài hạn với các nhà cung cấp để đạt được thoả thuận bình ổn giá nhằm giúp khách hàng không bị ảnh hưởng bởi yếu tố này trong ngắn hạn, giữ thị trường ổn định. Khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt biến động tỉ giá này.
Đại diện Di Động Việt cũng xác nhận tỉ giá tăng nhưng vẫn chưa ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm của công ty. Nhiều hãng lớn như Samsung đã có nhà máy ở Việt Nam nên việc giao dịch chỉ bằng tiền Việt Nam. Các dòng máy khác thì nhà cung cấp đã có kế hoạch dự trữ kho đủ bán hàng trong quý II nên hiện tại không bị ảnh hưởng về tỉ giá tăng. Tuy nhiên, đến hết quý 2, dự đoán sẽ có những biến động về giá sản phẩm.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT Thế Giới Di Động, tỉ giá tăng chưa tác động ngay đến giá cả hàng hóa bán ra do phần lớn sản phẩm mua tại Việt Nam, bán bằng tiền Việt; còn hàng nhập khẩu không nhiều.
Để lại một phản hồi