Nhận trát phạt do chậm công bố hơn chục văn bản, FLC đang kinh doanh ra sao?

TIN MỚI

    Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định phạt tiền 92,5 triệu đồng đối với Tập đoàn FLC.

    Theo đó, đơn vị này bị phạt do không công bố đối với một loạt báo cáo theo quy định, gồm báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020 và năm 2022; báo cáo tài chính bán niên năm 2023 và các năm 2020, 2021, 2022; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020; tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu bán niên năm 2023 và năm 2022; BCTC quý 3,4 năm 2023; BCTC năm 2023 đã được kiểm toán.

    FLC còn công bố thông tin không đúng thời hạn các tài liệu gồm báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2022; tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện bán niên năm 2023; BCTC bán niên năm 2022; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên các năm 2022, 2023; Nghị quyết ngày 01/10/2022 về việc chấp thuận đề nghị thôi giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc của bà Võ Thị Thùy Dương.

    Tình hình tài chính của Tập đoàn FLC là “ẩn số” kể từ thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị bắt hồi tháng 3/2022. BCTC năm 2021 của Tập đoàn cũng chưa được phát hành do FLC và đơn vị kiểm toán là Công ty UHY chưa đạt được sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán.

    Nhận trát phạt do chậm công bố hơn chục văn bản, FLC đang kinh doanh ra sao?- Ảnh 1.

    Tập đoàn FLC vẫn chưa công bố nhiều báo cáo tài chính từ năm 2020.

    Trước đó, ngày 14/5, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Lê Tiến Dũng đã có văn bản giải trình với cơ quan chức năng về việc có dấu hiệu nghi vấn vi phạm quy định về công bố thông tin báo cáo tài chính quý 1/2024.

    Văn bản giải trình cho biết Tập đoàn này “đang nỗ lực phối hợp cùng UHY thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp và CBTT theo quy định”.

    Và sau khi phát hành các BCTC năm 2021, 2022 và 2023, Tập đoàn FLC sẽ phát hành BCTC quý 1/2024.

    Như vậy, các báo cáo mới nhất của FLC vẫn có nguy cơ bị tồn đọng hoặc chậm công bố nếu chưa giải quyết được các văn bản từ năm 2021.

    Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, Tập đoàn FLC diễn ra quá trình chuyển biến mạnh mẽ trong nhóm nhân sự cấp cao, từ chủ tịch hội đồng quản trị đến ban tổng giám đốc đều được thay mới.

    FLC đặt mục tiêu kinh doanh 2024 thế nào?

    Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 diễn ra cuối tháng 2, đại hội đã thống nhất bầu ông Lê Tiến Dũng (với tỷ lệ đồng ý 104,066%) và ông Ngô Đặng Hoàng Anh (với tỷ lệ đồng ý 92,642%) là thành viên HĐQT, thay cho các thành viên cũ đã từ nhiệm. Cả hai thành viên HĐQT mới đều là những nhân sự cấp cao tại những đơn vị công tác trước đây và được đánh giá là phù hợp với định hướng kinh doanh, tái cấu trúc của FLC trong thời gian tới.

    HĐQT mới của FLC có 5 thành viên bao gồm ông Lê Bá Nguyên – Chủ tịch HĐQT, bà Vũ Đặng Hải Yến – Phó Chủ tịch thường trực, bà Trần Thị Hương và các thành viên là ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh.

    Sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, định biên nhân sự điều chỉnh giảm 60% nhân sự cơ hữu, cân bằng tổ chức bộ máy và ổn định thu nhập cho hơn 3.500 cán bộ nhân viên, tổng lương thưởng 2023 đạt hơn 300 tỷ đồng. Tập đoàn đã tiến hành sáp nhập 50% phòng ban, thành lập mới Ban Kinh doanh & Chiến lược, Phòng CNTT.

    Hệ thống Công ty thành viên, Công ty liên kết bao gồm 14 công ty con (do Tập đoàn FLC sở hữu từ trên 50% đến 100% vốn điều lệ) và 01 Công ty liên kết.

    Trong lĩnh vực Bất động sản, Tập đoàn FLC đã tái khởi động, triển khai thi công tại các dự án trọng điểm như FLC Premier Parc, C4C5 Thanh Hoá, FLC Sầm Sơn, FLC Tropical; đã chi thi công hơn 500 tỷ đồng; số lượng thi công 889 căn, số lượng căn đang thi công 831 căn.

    Trong năm 2024, FLC tập trung lĩnh vực bất động sản và khách sạn – du lịch – nghỉ dưỡng.

    Trong đó, FLC tiếp tục triển khai thi công theo cam kết với Khách hàng tại 07 dự án trọng điểm như FLC Premier Parc Thấp tầng, C4C5 Thanh Hóa, Biệt thự Hạ Long, Tropical 1&2, HH1 – HH4. Bên cạnh đó, Tập đoàn có kế hoạch triển khai thi công xây dựng thêm 06 dự án Hilltop Gia Lai, Legacy Kon Tum, FLC Sầm Sơn, Sadec, Quy Nhơn và dự án Quảng Bình. Kỳ vọng doanh số năm nay là đạt doanh số 1.187,2 tỷ đồng.

    Mảng khách sạn – nghỉ dưỡng, FLC tập trung khai thác vận hành các quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, khai thác tối đa công suất phòng, đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Và đạt kế hoạch doanh thu 1.213 tỷ đồng trong năm 2024.

    Dy Khoa

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *