Sau khi vào Trung Quốc, một sản vật Việt Nam vừa được cấp “visa” sang Mỹ, cổ phiếu của “trùm” xuất khẩu lớn nhất châu Á lên đỉnh 28 tháng

TIN MỚI

    Sau khi vào Trung Quốc, một sản vật Việt Nam vừa được cấp “visa” sang Mỹ, cổ phiếu của “trùm” xuất khẩu lớn nhất châu Á lên đỉnh 28 tháng- Ảnh 1.

    Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ vào ngày 27/8/2024, Thứ trưởng Hoàng Trung và Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Hafemeister và đại diện các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Hai bên đã đạt được thoả thuận quan trọng trong việc đưa thêm quả chanh leo của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

    Theo thống kê, Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia có lượng chanh leo xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ đứng sau Peru và Brazil. Trước khi được cấp “visa” vào Mỹ, chanh leo Việt Nam đã được xuất khẩu tới những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ.

    Tại Việt Nam, CTCP Nafoods Group (mã NAF) là cái tên được biết đến nhiều nhất khi đứng số 1 về xuất khẩu các sản phẩm chanh leo tại châu Á, với sản lượng chiếm 10% toàn cầu. Ngoài chanh leo, doanh nghiệp này còn khai thác lợi thế các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, dứa, dừa, đu đủ,… với nhiều sản phẩm đa dạng như trái cây sấy, nước ép trái cây cô đặc và trái cây đông lạnh.

    Hiện tại, Nafoods đã xây dựng được chuỗi nhà máy phân bố đều khắp Việt Nam, bao gồm: tỉnh Nghệ An, tỉnh Long An, tỉnh Sơn La, tỉnh Gia Lai với tổng công suất 40.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Riêng tại Gia Lai, theo quy hoạch Nafoods có được phép mở rộng vùng nguyên liệu liên kết với nông dân lên tới 3.000 ha.

    Với lợi thế của chuỗi giá trị khép kín từ giống cây đến chế biến, xuất khẩu, kết quả kinh doanh của Nafoods liên tục tăng trưởng trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2023, NAF ghi nhận doanh thu thuần 1.733 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% nhưng lợi nhuận sau thuế lại lập kỷ lục 110 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp được cải thiện đáng kể từ 21,3% lên trên 27%.

    photo-1724925567604

    Nhận định về năm 2024, Nafoods cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Giá các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và diễn biến bất ổn trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu không mấy sáng sủa ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty.

    Tuy nhiên, Nafoods vẫn lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 khá tham vọng với mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 129 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 27% và 17% so với thực hiện của năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phá kỷ lục lợi nhuận.

    6 tháng đầu năm nay, Nafoods ghi nhận doanh thu thuần đạt 752 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 65 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và tăng 5,3% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp này mới thực hiện 34% kế hoạch doanh thu nhưng đã hoàn thành 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

    Trên thị trường chứng khoán, sau thông tin sản phẩm chủ lực là chanh leo được cấp “visa” sang Mỹ, cổ phiếu NAF đã tăng vọt lên 19.200 đồng/cp, cao nhất trong vòng 28 tháng kể từ tháng 4/2022. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu này đã tăng 25% thị giá. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt xấp xỉ nghìn tỷ.

    photo-1724925598060

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *