VN-Index loay hoay 1.200 điểm, vì sao?

TIN MỚI

    Ngày 6-8, thị trường chứng khoán phục hồi mạnh phiên lao dốc gần 50 điểm trước đó. Đặc biệt, VN-Index lấy lại 1.200 điểm trong sự mừng rỡ của các nhà đầu tư. Nhiều người còn chia sẻ lại hình ảnh lần đầu tiên chỉ số này vượt mốc 1.200 điểm năm 2007. “Vì sao chứng khoán mãi loay hoay vùng 1.200 điểm?”, đây cũng là tên của chủ đề talkshow do Báo Người Lao Động tổ chức cùng ngày tại trụ sở của báo.

    Không quá tiêu cực

    Trao đổi tại buổi talkshow này, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP HCM, phân tích đang có nhiều yếu tố cả trong nước và quốc tế tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước hết là những căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông làm dấy lên lo ngại xung đột lan rộng, ảnh hưởng tới sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Sự thay đổi chính sách tiền tệ của Nhật – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới – cũng ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của nhà đầu tư.

    “Những yếu tố này đã tác động tới thị trường tài chính quốc tế những ngày đầu tháng 8 và lây lan sang thị trường Việt Nam. Không chỉ chứng khoán mà giá Bitcoin, giá vàng đều giảm… tạo ra sự hoảng loạn. Dù vậy, tác động chủ yếu mang tính tâm lý, bởi đến ngày 6-8 các thị trường tài chính quốc tế, trong đó có Việt Nam đều hồi phục khá mạnh” – ông Huân nói.

    Các diễn giả, khách mới tham dự talkshow của Báo Người Lao Động ngày 6-8 Ảnh: TẤN THẠNH

    Các diễn giả, khách mới tham dự talkshow của Báo Người Lao Động ngày 6-8 .Ảnh: TẤN THẠNH

    Thực tế, thị trường Việt Nam đã có sự điều chỉnh giảm trước các thị trường khác trên thế giới, nhiều cổ phiếu giảm tới 40%-50% kể từ thời điểm VN-Index chạm mốc 1.300 điểm hồi tháng 6-2024, bất chấp kinh tế trong nước khởi sắc, doanh nghiệp (DN) phục hồi tốt và lãi suất, tỉ giá đều ổn định.

    TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, lý giải bức tranh hiện tại của chứng khoán Việt Nam không hẳn quá xấu mà do thị trường quý I và quý II/2024 có nhiều sự lạc quan trong bối cảnh kinh tế chưa thật sự phục hồi như kỳ vọng, DN vẫn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn kém sáng, khối ngoại rút ròng liên tục hàng tỉ USD trong nhiều tháng… nên việc điều chỉnh là dễ hiểu.

    Ông Phan Nguyễn Hữu Phương – Giám đốc chi nhánh TP HCM kiêm Giám đốc khách hàng cao cấp, Công ty Chứng khoán DNSE – cũng thừa nhận nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh trong quý II vừa qua dựa trên nền tảng tăng giá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái thấp. Ở một số ngành, định giá P/E quá cao, lên tới 30, 40 thậm chí 50 lần nên khi kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, khiến cổ phiếu giảm mạnh.

    “Thực chất thị trường đang trong kênh đi ngang, cộng thêm áp lực bán ròng của khối ngoại vào khoảng 60.000 tỉ đồng từ đầu năm đến nay, thì đợt điều chỉnh của thị trường vừa rồi không phải “quá ghê gớm” – ông Hữu Phương nói.

    Về mặt kỹ thuật, ông Đinh Minh Trí, Trưởng Phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân – Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nói VN-Index đang ở đợt điều chỉnh của sóng 2, mức giảm có thể lên tới 150 điểm nên diễn biến thị trường 4 tuần vừa qua chưa quá đáng ngại.

    “Với những động thái quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa qua, có thể Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng vào tháng 3-2025 và sóng tăng của thị trường có thể quay trở lại từ khoảng tháng 9 năm nay khi kích hoạt được dòng tiền nhập cuộc” – ông Trí nói.

    Chờ hàng hóa chất lượng hơn

    Liên quan đến câu hỏi vì sao chứng khoán mãi loay hoay ở vùng 1.200 điểm, các chuyên gia tham gia talkshow của Báo Người Lao Động đã chỉ ra nhiều yếu tố tác động. PGS-TS Nguyễn Hữu Huân phân tích trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn chiếm trọng số lớn nên tác động mạnh hơn tới thị trường và các chỉ số. Điều này dẫn đến tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” khi giá cổ phiếu giảm mà VN-Index vẫn tăng và ngược lại.

    Để giải quyết thực trạng này, nhiều đề xuất cho rằng nên có thêm một số bộ chỉ số, phân loại các nhóm chỉ số, không chỉ có VN30 mà còn có thêm các bộ chỉ số khác để đánh giá được mức độ tăng trưởng của thị trường tốt hơn.

    “VN-Index vẫn có những nhược điểm nhất định, như: Nếu chỉ số vượt 1.300 điểm thì P/E sẽ tăng cao so với khu vực nên dễ gặp áp lực chốt lời. Số lượng cổ phiếu chất lượng trên thị trường có nhưng chưa nhiều, cần đa dạng hóa thêm nhiều DN niêm yết và đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường… Khi nội lực chưa tương xứng thì rất khó để VN-Index lên 1.500 – 1.600 điểm” – chuyên gia của Đại học Kinh tế TP HCM nói.

    Theo ông Phan Nguyễn Hữu Phương, mốc 1.200 điểm của VN-Index được đề cập nhiều do nhà đầu tư bị “ám ảnh”. Thực chất, nếu tính từ năm 2009 đến nay thì “đáy” của thị trường có xu hướng tăng dần chứ không hề giảm. “Đợt điều chỉnh này nếu VN-Index giảm thấp nhất cũng chỉ 1.100 điểm, tức cao hơn đáy của năm 2022 là 900 điểm. Điều đó có nghĩa đầu tư dài hạn là có lời chứ không phải thua lỗ” – ông Phương lập luận.

    Cùng quan điểm, ông Đinh Minh Trí nói rằng VN-Index đang ở vùng 1.200 điểm nhưng rất nhiều cổ phiếu có quy mô vốn hóa tăng gấp hàng chục lần so với thời điểm mới lên sàn, bên cạnh những DN rơi vào vùng bão hòa, từ đó tác động tới chỉ số chung. VN-Index không tăng về điểm số nhưng vẫn có sự tích cực.

    Làm sao để thị trường chứng khoán tăng trưởng thực chất và bền vững hơn? Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu về thị trường chứng khoán Việt Nam đều kỳ vọng sớm có thêm làn sóng phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của các DN lớn. Gần 10 năm trước (giai đoạn 2016-2017) khi làn sóng IPO của DN đã góp phần nâng tầm cho thị trường, tạo lượng hàng hóa lớn cho thị trường. Sau đó, có nhiều mã cổ phiếu vươn lên, thành những mã vốn hóa cả tỉ USD.

    “Nhưng hiện tại, quá trình IPO chậm dần hoặc gần như không thấy IPO. Hy vọng chủ trương của Chính phủ sẽ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của DN nhà nước để thu hút dòng vốn ngoại” – ông Trí nói.

    Muốn lời nhanh, càng dễ thua lỗ

    Theo TS Đinh Thế Hiển, chỉ cần cơ quan quản lý và các bên liên quan làm tốt những giải pháp đang có, đã góp phần thúc đẩy chứng khoán phát triển, bởi hành lang pháp lý không thiếu, quan trọng là thực thi. Với nhà đầu tư, nếu vào thị trường với tâm lý “lướt nhanh, thắng nhanh, đầu tư 1 tháng muốn nhân đôi tài khoản…” là rất khó và rủi ro cao. Trong khi, nếu đặt mục tiêu lợi nhuận mỗi năm 10%-15% sẽ bớt rủi ro và đầu tư nhẹ nhàng hơn.

    PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng việc định hướng cho nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán là rất quan trọng, bởi tại Việt Nam, tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân nhiều nhưng tâm lý thường “mua đuổi, bán tháo”… Có thể định hướng đầu tư, mua chứng chỉ quỹ, tham gia gián tiếp sẽ tạo sự ổn định cho thu nhập và tránh việc nhìn nhận thị trường chứng khoán như “canh bạc”.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *