Tài phiệt Ukraine hết thời giữa chiến sự với Nga

Một tuần sau khi quân đội Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine và áp sát Kiev, căn biệt thự ở ngoại ô thủ đô của Viktor Pinchuk, 61 tuổi, tỷ phú giàu có hàng đầu đất nước, bị một nhóm tình nguyện viên trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. Tỷ phú Pinchuk khi đó đã rời khỏi Ukraine, chạy sang nước khác.

Đến đầu tháng 4, khi lực lượng Nga rút khỏi miền bắc Ukraine và ngoại ô Kiev, Pinchuk, ông trùm truyền thông và công nghiệp Ukraine, mới trở về nước. Ban đầu, ông đồng ý cho nhóm tình nguyện viên tiếp tục sử dụng căn biệt thự thêm một thời gian, nhưng họ sau đó không dọn đi. Thủ lĩnh nhóm tuyên bố rằng họ quyết định ở lại đây “đến ngày chiến thắng”.

Tranh cãi về căn biệt thự của Pinchuk đã trở thành biểu tượng cho sự suy giảm quyền lực và ảnh hưởng của giới tài phiệt Ukraine, những người từng đóng vai trò quan trọng trong những năm đầu nội chiến giữa Kiev và phe ly khai vùng Donbass. Sau khi xung đột quân sự với Nga bùng phát, các ông trùm không còn là thế lực khuynh đảo chính trường lẫn chiến trường Ukraine.

“Tôi có cảm giác họ đã lạc lối. Họ không biết mình nên làm gì nữa”, Timofiy Mylovanov, cựu bộ trưởng kinh tế Ukraine, nói.

Khung cảnh hoang tàn tại nhà máy gang thép Azovstal, thành phố Mariupol, phía nam Ukraine hôm 22/5. Ảnh: Reuters.

Khung cảnh hoang tàn tại nhà máy gang thép Azovstal, thành phố Mariupol, phía nam Ukraine hôm 22/5. Ảnh: Reuters.

Hôm 23/2, một ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tập hợp những người giàu nhất nước đến văn phòng, trong đó có Pinchuk và một tài phiệt nổi tiếng khác là Rinat Akhmetov. Cuộc họp diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Ukraine, gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng. Kiev lúc này đứng bên bờ vực xung đột vũ trang trực diện với cường quốc láng giềng.

Tuy nhiên, trong cuộc họp, yêu cầu mà Zelensky đặt ra rất đơn giản. Ông chỉ muốn các ông trùm kinh tế gác lại đấu đá nội bộ và đoàn kết trợ lực cho đất nước.

Yêu cầu này khác hẳn vai trò mà giới tài phiệt từng đảm nhận năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột với phe ly khai vùng Donbass bùng nổ. Quân đội Ukraine khi đó đối mặt hàng loạt bất cập, từ thiếu trang thiết bị đến quân số không đảm bảo và chất lượng huấn luyện yếu kém.

Những ông trùm kinh tế Ukraine khi đó bắt đầu trực tiếp can dự vào chiến trường, rót tiền thành lập hàng loạt tiểu đoàn tình nguyện quân tiến đến Donbass. Một số tài phiệt còn được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng ở các vùng bất ổn, nơi có cộng đồng nói tiếng Nga đông đảo hay người dân có cảm tình với phong trào ly khai.

Giai đoạn “tranh tối tranh sáng” này đã tạo đà cho một số tài phiệt tiến xa trên con đường chính trị.

Nổi bật trong số này có Ihor Kolomoisky, nắm trong tay đế chế kinh doanh đa ngành gồm ngân hàng, luyện kim và truyền thông. Tỷ phú này được giao ghế tỉnh trưởng Dnipropetrovsk, nằm sát Donbass. Kolomoisky đã mạnh tay chi tiền cho hàng loạt nhóm quân tình nguyện chống lại các phong trào ủng hộ Nga trong tỉnh, sau đó giao tranh với phe ly khai vùng Donbass.

Chính quyền Kiev còn bổ nhiệm Serhiy Taruta, ông trùm ngành thép, làm tỉnh trưởng Donetsk, một trong hai tỉnh có phong trào ly khai mạnh mẽ nhất. Oleksander Yaroslavsky, xếp thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất Ukraine, cũng được giao làm thị trưởng Kharkov, thành phố lớn thứ hai cả nước. Hai tỷ phú dùng mọi nguồn lực, từ tài chính đến truyền thông, để vận động dư luận địa phương phản đối phong trào ly khai và ngăn chặn mọi ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Akhmetov, người từng ủng hộ đảng thân Nga của cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, cũng đã quay sang ủng hộ chính phủ mới ở Kiev.

Nhưng 8 năm sau, tình hình đã khác. Quân đội Ukraine đã được cải cách sâu rộng, tích lũy nhiều kinh nghiệm thực chiến và Kiev không còn phải nhờ cậy giới tài phiệt nhiều như trước để giải quyết thiếu hụt nguồn lực lẫn bộ máy tổ chức.

Tổng thống Ukraie Volodymyr Zelensky (ngồi giữa) gặp tài phiệt Ihor Kolomoisky (bên phải Zelensky) ở Kiev vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Ukraie Volodymyr Zelensky (ngồi giữa) gặp tài phiệt Ihor Kolomoisky (bên phải Zelensky) ở Kiev vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Nhiều năm xung đột liên miên ở Donbass cũng khiến túi tiền giới tài phiệt vơi đi đáng kể. Phần lớn các tỷ phú Ukraine xây dựng đế chế kinh doanh tại vùng trọng điểm công nghiệp nặng phía đông, giờ đây đã trở thành trung tâm xung đột.

Rinat Akhmetov, từng dẫn đầu danh sách tỷ phú giàu nhất Ukraine, cho biết khối tài sản của ông đã tổn thất 20 tỷ USD sau khi Nga kiểm soát thành phố Mariupol ở đông nam đất nước. Hai nhà máy gang thép trong thành phố đã giúp Akhmetov, tài phiệt gốc Donetsk, gây dựng nên cơ nghiệp của mình.

Khi xung đột với Nga bùng phát, các ông trùm công nghiệp Ukraine giờ đây cần chính phủ hơn. Họ trông chờ cơ hội làm ăn mới trong mảng xây dựng hạ tầng, đón đầu hàng trăm tỷ USD viện trợ tái thiết hậu chiến từ phương Tây. Một số doanh nhân còn kỳ vọng nhận được bồi thường chiến tranh do mất nhà xưởng và tài sản vì bom đạn.

Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi theo hướng không có lợi cho giới tài phiệt Ukraine trên chính trường.

Truyền hình tư nhân và truyền hình nhà nước giờ đây cùng tuân thủ những quy định phát sóng và kiểm duyệt như nhau. Đạo luật chống tài phiệt được Tổng thống Zelensky phê duyệt vào năm ngoái còn cắt bớt vây cánh chính trị của các ông trùm Ukraine.

Cách Tổng thống Zelensky bám trụ ở Kiev để lãnh đạo chính phủ cùng quân đội, vận động viện trợ phương Tây giữa khủng hoảng lịch sử đã giúp mức tín nhiệm lẫn quyền lực thực tế của ông tăng vọt. Olesiy Danilov, cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Zelensky và có lập trường phản đối giới tài phiệt lũng đoạn chính trường, tuyên bố rằng những tỷ phú hành xử trái ý Kiev trong thời chiến có thể phải trả giá khi hòa bình được tái lập.

Viện trợ tài chính từ phương Tây trong thời gian tới nhiều khả năng đi kèm điều kiện cải cách kinh tế và siết chặt quy định chống tham nhũng, khiến giới tài phiệt lo ngại quyền lực trong tay họ tiếp tục cạn kiệt.

Trong khi đó, Konstantin Grigorishin, ông trùm ngành kim loại và năng lượng Ukraine từng nhiều phen khốn đốn vì đấu đá tập đoàn, vẫn cho rằng đất nước ông cần thời gian để thay đổi. Grigorishin tin hệ thống chính trị Ukraine phải trải qua cải tổ sâu rộng mới đủ sức ngăn mạng lưới tài phiệt tái lập chi phối nền kinh tế. Quá trình cải tổ đòi hỏi “tính kỷ luật và mưu lược”, Grigorishin nhấn mạnh.

“Người Ukraine hiểu đất nước phải tự thanh lọc nếu muốn còn cơ hội đối phó sức mạnh của Nga”, Orysia Lutsevych, giám đốc chương trình nghiên cứu Ukraine, thuộc trung tâm tư vấn chính sách Chatham House của Anh, nhận định. “Giới tài phiệt Ukraine trong tương lai sẽ không còn hưởng những đặc quyền như họ từng có”.

Thanh Danh (Theo Financial Times)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*