Tài khoản Twitter Capt_Navy chuyên theo dõi hoạt động hải quân Nga hôm 7/6 đăng ảnh một tàu tuần tra Đề án 22160 rời quân cảng Sevastopol với tổ hợp phòng không lục quân tầm ngắn Tor-M2 được lắp ở sàn đáp trực thăng phía đuôi.
Đại tá hải quân Andrii Ryzhenko, cựu sĩ quan Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine, cho rằng đây là giải pháp tình thế của Hạm đội Biển Đen Nga, nhằm giúp các tàu chiến đối phó với mối đe dọa từ máy bay không người lái (UAV) và tên lửa chống hạm của Kiev, nhất là sau khi Nga mất ô phòng không tầm xa do vụ chìm soái hạm Moskva hồi tháng 4.
Nga chưa bình luận về thông tin này.
Trước đây, soái hạm Moskva đủ năng lực đảm bảo khả năng phòng không cho các tàu chiến trong Hạm đội Biển Đen nhờ trang bị tổ hợp phòng không S-300F Fort, phiên bản hải quân của tên lửa S-300. Hệ thống này với 64 quả đạn cho phép tàu tuần dương Moskva hạn chế hoạt động của không quân Ukraine và bảo vệ lực lượng mặt đất.
Vụ chìm soái hạm Moskva hôm 14/4 đã để lại khoảng trống phòng không rất lớn, cho phép máy bay Ukraine nhiều lần tập kích lực lượng Nga triển khai ở đảo tiền phương Zmiinyi ngoài khơi thành phố cảng miền nam Odessa.
Năng lực phòng không của các tàu thuộc Đề án 22160 trong biên chế Hạm đội Biển Đen khá hạn chế, khi chúng phải dựa vào pháo đa dụng AK-176MA cỡ nòng 76,2 mm và tên lửa phòng không vác vai. Nhà sản xuất từng đề xuất trang bị hệ thống phòng không tầm trung Shtil-1 với tầm bắn 50 km cho lớp chiến hạm này, nhưng giải pháp chưa được triển khai cho các tàu trong biên chế hải quân Nga.
Đại tá Ryzhenko cho rằng việc bố trí Tor-M2, vốn là hệ thống chuyên dùng của lục quân, lên tàu chiến chỉ là phương án tạm thời, giúp tăng năng lực phòng không cho tàu chiến Đề án 22160.
“Mỗi xe chiến đấu Tor-M2 mang được 8-16 quả đạn hiện đại với tầm bắn 15 km. Tổ hợp này có uy lực đáng kể khi đối đầu với UAV, tên lửa diệt hạm, trực thăng và phi cơ bay thấp”, Ryzhenko nói.
Mỗi xe chiến đấu Tor là một hệ thống chiến đấu độc lập, bao gồm tên lửa, radar nhìn vòng để phát hiện mục tiêu, hệ thống cảm biến hồng ngoại, quang – điện tử và radar điều khiển hỏa lực. Điều này cho phép nó bám bắt và đánh chặn mục tiêu mà không cần kết nối với radar của chiến hạm.
Bởi vậy, sự xuất hiện của tổ hợp Tor còn giúp tạo ô phòng không tầm ngắn cho các tàu đồng đội và lực lượng Nga đồn trú trên đảo Zmiinyi.
Dù vậy, phương án bố trí hệ thống phòng không mặt đất trên tàu chiến cũng có nhiều hạn chế. Thượng tầng chiến hạm sẽ cản trở khả năng quan sát của radar hệ thống Tor, tạo ra điểm mù từ hướng mũi tàu. Hệ thống dạng lắp ghép tạm thời này cũng khó lòng hoạt động hiệu quả trong điều kiện biển động mạnh.
Lắp đặt hệ thống phòng không mặt đất trên tàu chiến không phải ý tưởng mới và phương án này từng được một số quốc gia áp dụng.
Hải quân Nga hồi năm 2016 từng triển khai module chiến đấu Tor-M2KM trên tàu hộ vệ Đô đốc Grigorovich, nhằm đánh giá khả năng phát triển phiên bản hải quân của loại vũ khí này. Hệ thống đánh chặn thành công mục tiêu trong đợt thử nghiệm bắn đạn thật.
Các tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sa’ar 5 của hải quân Israel cũng được lắp bệ phóng tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) để đối phó với UAV tự sát, trong khi hải quân Ai Cập đặt các xe phòng không tầm ngắn AN/TWQ-1 trên tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral.
Hệ thống phòng không hạng nhẹ tích hợp (LMADIS) chuyên đối phó UAV từng xuất hiện trên sàn đáp tàu đổ bộ USS Boxer của Mỹ khi nó đi qua eo biển Hormuz hồi giữa năm 2019, thời điểm căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang.
Vũ Anh (Theo Drive)
Để lại một phản hồi