Hai nguồn tin an ninh cho biết hải quân Indonesia hôm 30/5 lên tàu chở nhiên liệu Nord Joy kiểm tra khi tàu đang neo đậu tại vùng biển Indonesia, ở phía đông Eo biển Singapore, một trong những tuyến đường vận tải hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.
Tàu chở nhiên liệu sau đó bị bắt với cáo buộc thả neo trái phép và được các tàu hải quân áp giải tới khu neo đậu gần đảo Batam, nơi có căn cứ hải quân. Hai nguồn tin khẳng định chủ tàu được đưa lên căn cứ và được các sĩ quan hải quân yêu cầu thu xếp khoản thanh toán 375.000 USD, nếu không tàu sẽ bị giữ nhiều tháng, dẫn đến thiệt hại lớn hơn khi sự việc bị đưa ra tòa.
Nord Joy là tàu được đăng ký ở Panama, dài 183m và có thể chở tới 350.000 thùng nhiên liệu. Hiện chưa rõ chủ sở hữu của tàu.
Synergy Group, công ty có trụ sở tại Singapore phụ trách vận hành tàu Nord Joy, cho biết tàu thả neo ở vị trí được cho là không thuộc lãnh hải Indonesia vào ngày 26/5 và 30/5. Tuy nhiên, hải quân Indonesia đã lên con tàu với cáo buộc nó nằm trong lãnh hải nước này. Synergy cho biết đang làm việc với hải quân, luật sư và các cơ quan địa phương để giải quyết vấn đề.
Chi phí thuê tàu chở sản phẩm tinh chế từ Singapore đến Trung Quốc với kích cỡ như Nord Joy có thể lên tới 1,12 triệu USD mỗi ngày, theo dữ liệu từ nhà môi giới tàu biển Simpson Spence Young.
Reuters năm ngoái đưa tin hải quân Indonesia bắt hàng chục tàu neo đậu trái phép và các chủ tàu đã trả khoảng 300.000 USD không chính thức để tàu được thả.
Khi được yêu cầu bình luận về thông tin sĩ quan đòi 375.000 USD để thả tàu Nord Joy, phát ngôn viên hải quân Indonesia Julius Widjojono cho biết “việc này bị nghiêm cấm”, song không nêu thêm chi tiết.
Ông xác nhận hải quân đã bắt tàu Nord Joy vì nghi ngờ neo đậu trong vùng biển Indonesia mà không có giấy phép, vi phạm quyền đi lại trên biển của Indonesia và tàu không mang cờ quốc gia. “Sự việc vẫn trong quá trình điều tra ban đầu tại căn cứ hải quân Batam”, ông nói.
Theo luật Indonesia, việc thả neo không có giấy phép sẽ bị phạt tối đa một năm tù đối với thuyền trưởng và phạt tiền 200 triệu rupiah (13.750 USD).
Tháng 11 năm ngoái, hải quân Indonesia cho biết số lượng tàu bị bắt tăng lên do các trường hợp neo đậu không phép, đi chệch khỏi lộ trình hoặc dừng lại giữa chừng trong khoảng thời gian không hợp lý. Hải quân nói rằng một số tàu được thả do không đủ bằng chứng, số khác được xử lý thông qua tòa án Indonesia và không có khoản tiền nào được đưa cho hải quân hoặc nhân viên của họ.
Giới phân tích hàng hải cho rằng các tàu thuyền đã neo đậu nhiều năm ở vùng biển phía đông Eo biển Singapore trong khi chờ cập cảng. Các thuyền trưởng tin rằng họ đang ở vùng biển quốc tế và do đó không phải chịu bất kỳ khoản phí nào. Tuy nhiên, hải quân Indonesia những năm gần đây tuyên bố phần lớn khu vực này nằm trong vùng biển của họ và bắt các tàu neo đậu không có giấy phép.
Huyền Lê (Theo Reuters, Straits Times)
Để lại một phản hồi