“Việt Nam cho rằng hoạt động của tất cả các nước cần phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và những quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO)”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo hôm nay, khi được đề nghị bình luận về vụ tiêm kích Trung Quốc và trinh sát cơ Australia chạm mặt ở khoảng cách gần trên Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Australia hôm 5/6 cáo buộc tiêm kích J-16 Trung Quốc bay cắt mặt trinh sát cơ P-8A của không quân Australia ở khoảng cách rất gần khi hoạt động trên Biển Đông ngày 26/5.
Tiêm kích J-16 sau đó sau đó phóng mồi bẫy gây nhiễu gồm nhiều sợi nhôm mảnh. Chiếc P-8A đã hút phải số sợi nhôm này vào động cơ và phải quay về căn cứ.
Ngày 7/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nói rằng máy bay P-8A Australia đã đến gần cái mà Trung Quốc tự nhận là “không phận” tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ông Đàm nói rằng lực lượng Trung Quốc “đã phát cảnh báo để xua đuổi” máy bay Australia.
Đáp lại, Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 8/6 khẳng định sự việc xảy ra ở không phận quốc tế trên Biển Đông.
Trong họp báo hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi các bên “không làm gia tăng căng thẳng tại khu vực và đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế”.
“Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Hằng nói.
Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép nhiều thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời tự vẽ ra “đường 9 đoạn” đòi yêu sách chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, trái quy định của luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016.
Tiến Anh
Để lại một phản hồi