Tranh luận về kêu gọi giảm tuổi kết hôn ở Trung Quốc

Bộ Nội vụ Trung Quốc hồi tháng 2 báo cáo 7,63 triệu cặp vợ chồng đăng ký kết hôn năm 2021, thấp nhất từ năm 1986. Con số này vào năm 2020 là 8,13 triệu và 13,46 triệu vào năm 2013.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), Trung Quốc ghi nhận 10,62 triệu ca sinh năm 2021, giảm 11,5% so với 12 triệu ca năm 2020. Số ca sinh đóng góp thêm 480.000 người cho tổng dân số hơn 1,4 tỷ của Trung Quốc, vì nước này ghi nhận 10,14 triệu người chết năm ngoái.

“Số lượng ca sinh trong vài năm tới có thể giảm sâu so với mức 10,62 triệu ca năm 2021. Với xu thế hiện nay, số cuộc hôn nhân cũng sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới”, Tổ chức Nghiên cứu Dân số Dục Oa có trụ sở tại Bắc Kinh, bên theo dõi vấn đề nhân khẩu học Trung Quốc, tuần này đánh giá.

Tổ chức kêu gọi Trung Quốc giảm độ tuổi kết hôn hợp pháp, hỗ trợ chi phí sinh nở, giáo dục, nuôi dưỡng con cái cho các cặp vợ chồng để có thể thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh.

Một cặp vợ chồng mới cưới trên tàu điện ngầm tại Chiết Giang, Trung Quốc ngày 22/6/2019. Ảnh: China Daily.

Một cặp vợ chồng mới cưới trên tàu điện ngầm tại Chiết Giang, Trung Quốc ngày 22/6/2019. Ảnh: China Daily.

Những năm 1950, người dân Trung Quốc có thể kết hôn hợp pháp ở độ tuổi lần lượt là 18 cho nữ và 20 cho nam, song đã nâng lên 20 và 22 năm 1980, khi bắt đầu chính sách một con nhằm hạn chế gia tăng dân số.

Chính sách một con có hiệu lực đến năm 2016, khi Trung Quốc thực hiện chính sách hai con kéo dài đến năm ngoái, trước khi nâng lên ba con trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa. Tuy nhiên, độ tuổi kết hôn tối thiểu không thay đổi.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đối mặt với lời kêu gọi giảm độ tuổi kết hôn nhằm tăng tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học cho biết ngay cả khi giảm quy định tuổi tối thiểu, xu hướng người trẻ trì hoãn kết hôn khó có thể bị đảo ngược trong bối cảnh đô thị hóa, chi phí gia đình cao.

Bành Hy Triết, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết với việc tỷ lệ sinh viên đại học gia tăng, giảm độ tuổi kết hôn tối thiểu có thể đi đôi với các chính sách khuyến khích sinh viên kết hôn. Tuy nhiên, ông không cho rằng hạ độ tuổi kết hôn sẽ thuyết phục được họ sinh con.

“Không phải là chỉ cần giảm độ tuổi kết hôn tối thiểu thì tỷ lệ sinh sẽ tăng, chúng ta có thể thảo luận về vấn đề này nhưng tôi cho rằng làm vậy không hiệu quả”, giáo sư Bành nhận định. “Chúng ta yêu cầu phụ nữ kết hôn sớm nhằm thúc đẩy trẻ hóa dân số, nhưng điều đó đồng nghĩa chúng ta coi phụ nữ là cỗ máy sinh đẻ”.

Ông Bành cho biết nhóm lao động nhập cư tới các thành phố lớn làm việc có xu hướng kết hôn muộn, dù cư dân nông thôn thường kết hôn sớm hơn cư dân thành thị. “Làn sóng lao động nhập cư tại các đô thị là nguyên nhân làm tăng độ tuổi kết hôn tại các vùng nông thôn”, ông Bành nhận định.

Ông cho biết kế hoạch kết hôn của nhóm dân nông thôn sẽ thay đổi nếu họ chuyển tới các thành phố lớn để tìm việc hay học đại học. “Việc ngày càng nhiều người trì hoãn kết hôn cũng phản ánh của xã hội Trung Quốc đang trở nên tiên tiến hơn”, giáo sư Bành nói thêm.

Viên Tâm, phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Nam Đài ở Thiên Tân, nhận định hạ độ tuổi kết hôn là vấn đề pháp lý và không liên quan trực tiếp đến tỷ lệ sinh.

“Các chính sách sinh đẻ hiện không tương ứng với mức độ bằng lòng sinh con của người dân. Chính sách ba con trên thực tế không có tác dụng điều tiết tỷ lệ sinh thấp hiện nay”, ông Viên khẳng định. “Nguyên nhân hàng đầu của tỷ lệ sinh thấp được xác định là sự phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc hiện tại”.

Lời kêu gọi của Dục Oa được đưa ra khi quốc gia đông dân nhất thế giới hiện chật vật tăng tỷ lệ sinh trong bối cảnh khủng hoảng dân số già. Các chuyên gia dự đoán từ năm nay, dân số Trung Quốc đối mặt giai đoạn giảm đều theo từng năm.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm khuyến khích sinh sản, Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 28/3 thông báo các khoản chi phí giáo dưỡng trẻ em dưới ba tuổi đủ điều kiện khấu trừ thuế. Người bảo hộ trẻ đồng thời được giảm 1.000 nhân dân tệ (157 USD) tiền thuế mỗi tháng, có hiệu lực từ năm nay. Năm 2021, giới chức Trung Quốc cũng đã triển khai một loạt chính sách giảm thuế, tăng trợ cấp, bổ sung nghỉ phép cho các sản phụ.

Đức Trung (Theo SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*