“Khi an ninh toàn cầu đang bị đe dọa, điều quan trọng hơn cả với các nền dân chủ như Canada và Đan Mạch là cùng hợp tác với người dân bản địa, nhằm giải quyết những khác biệt của chúng ta phù hợp với luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly ra tuyên bố hôm 14/6, thông báo về việc chia đôi đảo Hans với Đan Mạch.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch sau đó xác nhận sẽ cùng Canada chia hòn đảo rộng 1,2 km2, không có người ở, thành hai phần gần như bằng nhau, dựa theo khe nứt tự nhiên trên mặt đá. Thỏa thuận sẽ được các bộ trưởng của hai nước ký sau khi quốc hội phê chuẩn.
Đây được đánh giá là động thái mang tính biểu tượng, cho thấy các quốc gia NATO ở Bắc Cực đang xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh thế giới căng thẳng vì xung đột Ukraine.
Đảo Hans được đặt tên theo nhà thám hiểm Hans Hendrik, người tham gia chuyến thám hiểm đầu tiên tới hòn đảo vào năm 1853. Hòn đảo được gọi là Tartupaluk trong tiếng Greenland, có nghĩa là “hình quả thận”.
Canada và Đan Mạch không biết rằng đối phương đều tuyên bố chủ quyền với đảo Hans cho tới khi hai nước tổ chức cuộc họp song phương để thảo luận về biên giới lãnh thổ vào năm 1971.
Kể từ những năm 1980, các quan chức, nhà khoa học cùng binh sĩ từ Đan Mạch và Canada đều đến thăm hòn đảo này, thay phiên nhau gỡ quốc kỳ của đối phương và đặt quốc kỳ của nước mình lên. Đại diện của hai nước còn có truyền thống để lại một chai rượu whisky của Canada hoặc schnapps của Đan Mạch lên hòn đảo vào mỗi chuyến thăm.
Năm 2018, Canada và Đan Mạch quyết định thành lập nhóm làm việc chung để giải quyết tranh chấp hòn đảo, chấm dứt tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi