Phần Lan tuyên bố sẵn sàng tự vệ nếu Nga tấn công

“Chúng tôi đã phát triển hệ thống phòng thủ quân sự của mình để chuyên đối phó với loại hình tác chiến đang được tiến hành ở Ukraine với các đòn tập kích ồ ạt, tăng thiết giáp và không quân”, Đại tướng Timo Kivinen, tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Phần Lan, nói ngày 22/6. “Ukraine là vùng đất ‘khó nhằn’ với Nga và Phần Lan cũng vậy”.

Tướng Kivinen cho biết Phần Lan đã chuẩn bị cho tình huống bị Nga tấn công và sẽ kháng cự quyết liệt nếu điều này xảy ra, khẳng định nước này có động lực chiến đấu cũng như xây dựng kho vũ khí đáng kể. “Tuyến phòng thủ tốt nhất chính là tinh thần, như những gì tại Ukraine lúc này”, tướng Kivinen nói.

Nga chưa bình luận về thông tin trên.

Đại tướng Timo Kivinen tại trụ sở Bộ Tư lệnh Phòng vệ Phần Lan ở Helsinki ngày 16/6. Ảnh: Reuters.

Đại tướng Timo Kivinen tại trụ sở Bộ Tư lệnh Phòng vệ Phần Lan ở Helsinki ngày 16/6. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố được tướng Kivinen đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Phần Lan, sau khi quốc gia Bắc Âu cùng nước láng giềng Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO ngày 18/5.

Trong cuộc họp hai ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thông báo Quân khu phía Tây của nước này sẽ thành lập 12 đơn vị quân đội để đáp trả NATO dự kiến kết nạp Phần Lan, Thụy Điển.

Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan – Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.

Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.

7 thập kỷ NATO đông tiến. Đồ họa: Statista

7 thập kỷ NATO đông tiến. Đồ họa: Statista

Nguyễn Tiến (Theo Guardian)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*