UNCLOS – ‘hiến pháp’ thúc đẩy hòa bình, an ninh trên biển

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) được thông qua cách đây 40 năm là dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển của luật biển quốc tế, khi lần đầu tiên có một khung pháp lý toàn diện có vai trò như bản “hiến pháp” của các đại dương được thiết lập, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Đối thoại Biển lần thứ 8 diễn ra ở Hà Nội hôm nay.

Theo Thứ trưởng Hiệu, UNCLOS tiếp tục đóng vai trò nền tảng trong phát triển luật biển quốc tế, thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác giữa các quốc gia và sự phát triển bền vững của các đại dương.

Ông khẳng định trật tự pháp lý được thiết lập theo UNCLOS đã góp phần quan trọng trong duy trì hòa bình và ổn định quốc tế, cho rằng các quốc gia cần thúc đẩy hợp tác để bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển và đại dương, đồng thời đảm bảo quyền tự do hàng hải và hoạt động hàng hải hợp pháp.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu kêu gọi các quốc gia nỗ lực tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, nâng cao lòng tin, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời tuân thủ Công ước trong xác định các yêu sách trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Phát biểu tại hội nghị, cựu thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế Rudiger Wolfrum nhấn mạnh vai trò cơ bản của UNCLOS với sự phát triển của luật biển quốc tế và thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác giữa các quốc gia.

Thẩm phán Rudiger Wolfrum phát biểu tại đối thoại ở Hà Nội hôm 29/6. Ảnh: Vũ Anh.

Cựu thẩm phán Rudiger Wolfrum phát biểu tại đối thoại ở Hà Nội hôm 29/6. Ảnh: Vũ Anh.

Ông Wolfrum cho rằng UNCLOS đã thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế một cách bình đẳng và khách quan, giúp các quốc gia lớn nhỏ trên thế giới giải quyết bất đồng, tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình.

Theo cựu thẩm phán, UNCLOS cần được áp dụng toàn diện, không nên tách rời mà cần gắn liền giữa cơ chế giải quyết tranh chấp với tất cả quy định pháp lý của Công ước và luật pháp quốc tế. Phán quyết của các tòa án quốc tế không chỉ mang tính ràng buộc với các bên tham gia tranh chấp, mà còn là cơ sở cho hợp tác chung trong khu vực và quốc tế.

UNCLOS có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, quy định mọi thứ từ chủ quyền quốc gia, khai thác tài nguyên biển, đi lại, cho đến giải quyết tranh chấp trên biển. Công ước đã được 168 nước và tổ chức quốc tế phê chuẩn, 14 quốc gia khác ký nhưng chưa phê chuẩn.

Việt Nam bỏ phiếu tán thành UNCLOS ngày 30/4/1982 và là nước thứ 63 nộp văn bản phê chuẩn Công ước. Việt Nam cũng là một trong những nước khởi xướng và chủ trì vận động thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS, nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước có chung mục tiêu.

Vũ Anh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*