Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công

Giải ngân đầu tư công còn nhiều vướng mắc, bất cập

Giải ngân đầu tư công còn nhiều vướng mắc

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tỷ lệ ước giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%). Trong đó, vốn trong nước đạt 29,06%, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 31,75%. Đáng chú ý, vốn nước ngoài mới đạt hơn 9% so với kế hoạch được giao.

Có 7 bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%. Có 40/51 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 25/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, trong đó có 25 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% (trong đó 4 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).

Trong khi nền kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi, nhu cầu đầu tư phát triển, đầu tư công đang trở thành động lực vô cùng quan trọng cần được thúc đẩy. Vì thế, không chỉ thành lập 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, mà theo phát biểu của lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, thời gian qua, đích thân Thủ tướng đã tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để làm việc với các địa phương, kiểm tra, đôn đốc các dự án, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, xác định các định hướng chiến lược cho các vùng, các địa phương.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá, giải ngân đầu tư công còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, khó khăn lớn nhất đối với các dự án đầu tư công hiện nay là biến động của giá nguyên vật liệu quá lớn và chưa có cơ chế xử lý đối với các hợp đồng trọn gói. Bên cạnh đó là khó khăn trong tuyển dụng lao động, khan hiếm nhân công, dẫn đến đơn giá nhân công tăng để cạnh tranh thu hút nhân lực.

Tại phiên giải trình Quốc hội về giải ngân vốn đầu tư công hồi tháng 4/2022, các ý kiến cũng nêu, tại sao cùng một cơ chế, một thủ tục, nhưng có đơn vị giải ngân hiệu quả, có đơn vị lại chậm trễ, không giải ngân được đồng nào. Thực tế là trong năm 2021, mặc dù giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ đáng khích lệ với 95,1%, nhưng vẫn có những bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân ở mức thấp. Trong đó có 26 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 70%, cá biệt có 5 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân từ việc chuẩn bị dự án, thẩm định, tư vấn mất nhiều thời gian, chất lượng lập dự án chưa tốt, dẫn đến khi triển khai phải điều chỉnh, mất thời gian làm thủ tục. Ngoài ra, có nguyên nhân chủ đầu tư, nhà thầu yếu về năng lực; có tình trạng bộ, ngành thiếu phối hợp, chậm giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các địa phương.

Trao đổi tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho rằng, để thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm, chiến lược, phải chuẩn bị các dự án kỹ lưỡng với tư vấn giỏi, các địa phương phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Về phần mình, lãnh đạo Bộ cuối tuần đều dành thời gian tới hiện trường để thúc đẩy dự án. Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 17.300 tỷ đồng, đạt 34% tổng vốn Thủ tướng giao theo kế hoạch năm.

Sáu giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mặc dù thực tế trong giai đoạn 2016-2022, những tháng đầu năm giải ngân thường thấp và có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.

Do đó, tại Hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Để nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm, trong đó phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.

Thứ hai, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Thứ ba, nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là ban quản lý dự án các cấp; luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ tư, nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án.

Thứ năm, chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… Hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ.

Thứ sáu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hoặc Sở Xây dựng) công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến thị trường.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*