Tình cảnh khiến dân Sri Lanka tấn công phủ Tổng thống

Chamila Nilanthi quá mệt mỏi khi phải chờ đợi. Bà mẹ 47 tuổi đã xếp hàng ba ngày để chờ mua dầu tại thị trấn Gampaha, đông bắc thủ đô Colombo của Sri Lanka. Cô từng xếp hàng ba ngày để chờ mua bình ga nấu ăn, nhưng phải về tay không.

“Tôi hoàn toàn mệt mỏi và chán chường. Không biết chúng tôi phải làm thế này trong bao lâu nữa”, Nilanthi nói.

Người dân đăng ký mua xăng tại cơ sở do quân đội kiểm soát ở thủ đô Colombo, Sri Lanka, hôm 27/6. Ảnh: AP.

Người dân đăng ký mua xăng tại cơ sở do quân đội kiểm soát ở thủ đô Colombo, Sri Lanka, hôm 27/6. Ảnh: AP.

Vài năm trước, nền kinh tế Sri Lanka phát triển đủ mạnh để cung cấp việc làm và bảo đảm tài chính cho phần lớn người dân. Giờ đây, kinh tế quốc gia Nam Á đang bên bờ sụp đổ, đất nước phải phụ thuộc vào viện trợ từ Ấn Độ và nhiều nước khác, trong lúc các lãnh đạo phải đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo một gói cứu trợ.

Kinh tế suy thoái dẫn đến bất ổn chính trị, với đỉnh điểm là người biểu tình tấn công dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka cho biết ông Rajapaksa sẽ từ chức ngày 13/7, trong khi Thủ tướng Wickremesinghe sẵn sàng rời đi khi chính phủ mới được thành lập.

Những gì đang xảy ra ở đất nước 22 triệu dân tồi tệ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng tài chính ở những nước đang phát triển. Nó là sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế, khiến người dân vật lộn tìm lương thực, nhiên liệu và những mặt hàng thiết yếu.

“Tình hình đang nhanh chóng lâm vào vòng xoáy khủng hoảng nhân đạo”, Scott Morris, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, nhận xét. Những thảm họa tương tự thường xuất hiện ở các nước nghèo tại khu vực Hạ Sahara của châu Phi hay Afghanistan, nhưng cũng từng xảy ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình.

Khủng hoảng Sri Lanka bắt nguồn phần lớn từ sai lầm trong quản lý kinh tế, trong khi các vụ tấn công khủng bố hồi năm 2019 và đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành du lịch, một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ đạo của đất nước. Người dân Sri Lanka cũng không thể ra nước ngoài làm việc và gửi kiều hối về nước vì những lệnh hạn chế đi lại khi Covid-19 hoành hành.

Chính phủ Sri Lanka vay nợ với số lượng lớn và cắt giảm thuế hồi năm 2019, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ ngay trước khi Covid-19 xuất hiện. Dự trữ ngoại hối lao dốc, khiến Sri Lanka không thể trả tiền cho các mặt hàng nhập khẩu hoặc giữ giá đồng rupee.

Người dân Sri Lanka, đặc biệt là dân nghèo, đang hứng chịu hậu quả. Họ phải xếp hàng dài nhiều km để mua xăng và chất đốt, nhưng đôi khi vẫn ra về tay trắng sau những ngày chờ đợi.

Ít nhất 16 người đã thiệt mạng khi chờ mua xăng, trong đó có một người đàn ông 63 tuổi được tìm thấy trong ôtô ở ngoại ô thủ đô Colombo. Nhiều người đã chuyển sang xe đạp hoặc phương tiện công cộng vì không mua được xăng.

Chính phủ Sri Lanka đã đóng cửa nhiều trường phổ thông và đại học, công chức được nghỉ các ngày thứ sáu trong ba tháng để tiết kiệm nhiên liệu, cũng như giúp họ có thời gian tự trồng trọt rau củ.

Dữ liệu từ giới chức cho thấy giá thực phẩm đã tăng 57%, trong khi báo cáo của UNICEF hồi tháng trước cho thấy 70% hộ dân được hỏi đã cắt giảm khẩu phần ăn. Hàng loạt gia đình đang phải trông chờ tiếp tế gạo từ chính phủ, cũng như các quỹ từ thiện và người hảo tâm.

Khủng hoảng cũng giáng đòn mạnh vào tầng lớp trung lưu chiếm 15-20% dân số thành thị Sri Lanka, vốn có chất lượng sống tương đối cao và bảo đảm an toàn tài chính trước khi kinh tế sụp đổ. Không ít người dân phải dùng bếp dầu hoặc nhóm lửa vì thiếu bình ga, trong khi những gia đình có thu nhập cao lựa chọn bếp điện để nấu nướng.

Người biểu tình tràn vào phủ tổng thống Sri Lanka

Người biểu tình tràn vào phủ tổng thống Sri Lanka

Người biểu tình tràn vào phủ tổng thống Sri Lanka ngày 9/7. Video: Twitter/Haqeeqat TV.

Tình trạng thiếu xăng dầu và chất đốt khiến người dân Sri Lanka bức xúc, dẫn tới những cuộc biểu tình và đụng độ với cảnh sát. Nhiều cuộc xô xát cũng nổ ra khi một số người dân tìm cách chen hàng mua xăng.

Những người phản đối đã chỉ trích chính quyền với nhiều vị trí do gia đình Rajapaksa nắm giữ. “Họ gây ra lỗi lầm, nhưng chúng tôi phải gánh chịu hậu quả”, Ranjana Padmasiri, một nhân viên văn phòng, cho hay.

Hàng loạt thành viên gia đình Rajapaksa đã xin từ chức, trong đó có cựu thủ tướng Mahinda Rajapaksa và Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa. Người biểu tình cũng ăn mừng trước thông tin Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sẽ từ chức, nhưng cho rằng điều này là chưa đủ.

“Họ không được rời bỏ dễ dàng như vậy. Họ phải chịu trách nhiệm với khủng hoảng hiện nay”, Padmasiri nói.

Vũ Anh (Theo AP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*