Góc nhìn TTCK tuần 21-25/3: VN-Index hồi phục ở ngưỡng kháng cự 1.470 điểm

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần qua khiến cho giá dầu và giá vàng tiếp tục xu hướng điều chỉnh.

Fed trong tuần qua cũng quyết định nâng lãi suất thêm 0,25% và phát đi tín hiệu có thể nâng lãi suất thêm 6 lần nữa để đối phó với lạm phát. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư trong nước đã tỏ ra thận trọng thể hiện qua việc thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình và các chỉ số chỉ tăng nhẹ trong tuần qua. Kết hợp với diễn biến trong tuần, có thể thấy là lực cầu mua lên vẫn còn khá rón rén, nhà đầu tư vẫn đang thận trọng ở thời điểm hiện tại.

Hơi đáng tiếc một chút là VN-Index vẫn chưa thể lấy lại được ngưỡng 1.470 điểm trong phiên cuối tuần trước áp lực bán từ các quỹ ETF.

Kết tuần, VN-Index tăng 2,56 điểm (+0,2%) lên 1.469,1 điểm. Trong đó, NVT là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần với mức tăng 40% từ 14.800 đồng lên 20.650 đồng, tiếp theo là FDC với mức tăng 29% từ 27.400 đồng lên 35.350 đồng. Ở chiều ngược lại, PTC là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần với mức giảm 19% từ 68.100 đồng xuống 55.300 đồng.

Với chỉ số HNX Index, đóng cửa ở 451,21 điểm, tăng 9,01 điểm (tương ứng tăng 2%). THS là cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất tuần với mức tăng 59% từ 21.800 đồng lên 34.700 đồng, tiếp theo là VC9 với mức tăng 58% từ 11.800 đồng lên 18.700 đồng. Ở chiều ngược lại, BXH là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần với 25% từ 16.500 đồng xuống 12.300 đồng.

Chuyên gia SHS cho rằng, những điều này có thể sẽ được cải thiện trong tuần giao dịch tới khi mà căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể sẽ tiếp tục hạ nhiệt, cũng như việc Chính phủ đang nỗ lực trong việc thúc đẩy giải ngân sớm gói đầu tư công. Và kết quả kinh doanh quý I/2022 của các doanh nghiệp có thể dần được hé lộ với những gam màu tích cực.

Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 21/3-25/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục với mục tiêu lần lượt là ngưỡng kháng cự 1.470 điểm và xa hơn là vùng 1.480-1.485 điểm (MA20-50). Các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong hai phiên đầu tuần có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại.

Trong tháng qua, có hai sự kiện có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam là Fed tăng lãi suất và căng thẳng Nga-Ukraine. Hai sự kiện trên được cho là sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam và gia tăng áp lực tăng lạm phát lên nền kinh tế Việt Nam.

CTCK ACB (ACBS) cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không bị tác động nhiều, nếu Việt Nam duy trì lạm phát dưới 4%, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào và xuất khẩu ổn định.

ACBS kỳ vọng lạm phát của Việt Nam sẽ duy trì dưới mức mục tiêu 4% của Chính phủ vào năm 2022. Dự báo giá lương thực và thực phẩm sẽ ổn khi hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa vào năm 2022. Nguồn cung các loại lương thực, thực phẩm sẽ không bị gián đoạn do thiếu cung hoặc nhu cầu đột biến tăng mạnh hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc công suất sản xuất thấp. Bên cạnh đó, quy mô gói kích thích tài khóa và tiền tệ tương đối nhỏ (khoảng 4% GDP năm 2021) và sẽ không gây áp lực lớn lên CPI.

Vấn đề trước mắt mà thị trường đang chú ý lúc này là quyết định tăng lãi suất của Fed và sự thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn thế giới để đối phó với lạm phát gia tăng. Và đặc biệt, cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ khiến các nhà đầu tư luôn dõi theo xem ảnh hưởng có thể xảy ra đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào, vốn chưa rõ ràng do tất cả những điều không chắc chắn xung quanh tình hình hiện nay, tuy nhiên những lo ngại ban đầu dường như xoay quanh việc giá dầu tăng và tác động của chúng lên lạm phát.

Nói về nhóm ngành, dòng tiền cải thiện ở nhóm thép và vật liệu xây dựng, nhưng tuần qua nhóm này giảm điểm và nhiều ý kiến cho rằng, đang ở giai đoạn tích luỹ và xu hướng tăng chưa rõ ràng. Nhưng nếu động thái giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh rõ ràng hơn – sẽ là động lực lớn của nhóm này.

Tương tự ở nhóm dầu khí, dù giá dầu thế giới giai đoạn qua biến động mạnh (tăng mạnh, giảm mạnh), nhưng cơ bản đang giữ ở vùng cao hơn hẳn so với con số kế hoạch của các doanh nghiệp trong ngành (60 USD/thùng), theo đó, sau đoạn điều chỉnh thì nhóm này sẽ có phân hoá và được dự báo là ngành có sóng tốt trong năm nay.

Với nhóm cổ phiếu bất động sản, vẫn xuất hiện nhưng con sóng nhỏ và phân hoá. Dự báo ở nhóm này sẽ không giảm mạnh trong tuần này nhưng xác định sóng tăng mạnh thì chưa, nhà đầu tư có thể chú ý ở những cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có nhiều dự án chuẩn bị chào bán, và cả trong phân khúc bất động sản khu công nghiệp dự báo có triển vọng tốt năm nay khi đường bay quốc tế được nối lại, các doanh nghiệp FDI sẽ thuận tiện trong việc di chuyển sang Việt Nam để thực hiện các hợp đồng đã ký MOU năm trước.

Việc lựa chọn cổ phiếu cũng cần cẩn trọng vì số lượng đông đảo các doanh nghiệp trên sàn và chất lượng doanh nghiệp cũng có sự cách biệt rất lớn. Nhóm cổ phiếu vẫn nên chú ý đến cần có các yếu tố về tăng trưởng và định giá thấp. Đặc biệt, gần đến mùa mùa kết quả kinh doanh quý 1/2022, nhà đầu tư có thể săn đón những DN có thông tin sớm, tích cực và cả mùa đại hội cổ đông các doanh nghiệp có thể tạo các nhịp sóng ngắn hạn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*