Thụy Sĩ – mắt xích yếu trên mặt trận phương Tây trừng phạt Nga

80% hàng hóa của Nga được giao dịch qua Thụy Sĩ, chủ yếu qua Zug và thành phố Geneva. Các ngân hàng Thụy Sĩ quản lý khoảng 150 tỷ USD cho các khách hàng Nga, theo hiệp hội ngân hàng của đất nước.

4 tháng kể từ khi chính quyền Thụy Sĩ bắt đầu thực hiện các lệnh trừng phạt, 6,8 tỷ USD tài sản tài chính của Nga đã bị đóng băng, cùng với 15 ngôi nhà và bất động sản khác, theo Ban Thư ký Nhà nước về Các vấn đề Kinh tế Thụy Sĩ (SECO).

Trong khi đó, các nước EU đã đóng băng tổng cộng 14 tỷ USD tài sản được cho là của các tài phiệt Nga, gồm các quỹ, tàu thuyền, máy bay trực thăng và bất động sản, bên cạnh hơn 20 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Nga. Các nước EU cũng đã chặn khoảng 200 tỷ USD giao dịch tài chính liên quan đến Nga.

Chỉ riêng đảo Jersey thuộc Anh đã phong tỏa hơn 7 tỷ USD tài sản mà họ cho rằng liên quan đến nhà tài phiệt Nga Roman Abramovich. Các thượng nghị sĩ Mỹ cũng đã kiến nghị riêng với giới chức Thụy Sĩ, yêu cầu họ cố gắng hơn nữa để phong tỏa tiền và tài sản của Nga.

Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sĩ bác bỏ những ý kiến chỉ trích, nhấn mạnh rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của EU đã đánh dấu một bước thay đổi mang tính lịch sử và họ đang làm mọi thứ có thể để săn lùng những tài sản Nga nằm trong danh sách đen.

Tòa nhà trụ sở của cơ quan điều hành đường ống Nord Stream ở thành phố Zug, Thụy Sĩ. Ảnh: WSJ.

Tòa nhà trụ sở của cơ quan điều hành đường ống Nord Stream ở thành phố Zug, Thụy Sĩ. Ảnh: WSJ.

“Rõ ràng là khối lượng của các lệnh trừng phạt đối với Nga và Belarus, cũng như tốc độ áp dụng chúng, đã tạo ra những thách thức nhất định đối với các cơ quan thực thi, ở Thụy Sĩ cũng như các nơi khác”, một phát ngôn viên SECO cho biết.

Dù có danh tiếng là một trung tâm tài chính toàn cầu, các cơ quan quản lý của Thụy Sĩ đang gặp trở ngại đáng kể là nguồn lực hạn chế. SECO chỉ có 10 quan chức chuyên trách về các biện pháp trừng phạt cho đến gần đây, khi chính phủ thuê thêm 5 người.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, công việc của họ cũng không đạt hiệu quả bởi một vấn đề cơ cấu xưa cũ: Hoạt động kinh doanh của các công ty được giữ kín, gây khó khăn cho việc xác định quyền sở hữu cuối cùng đối với tài sản.

Các chủ ngân hàng Thụy Sĩ và những nhà vận động minh bạch tài chính cho hay hàng tỷ USD tài sản của các khách hàng Nga những năm gần đây đã được sang tên cho vợ/chồng hoặc con cái.

Nhiều nhà tài phiệt là chủ những doanh nghiệp ở Zug chưa bị các lệnh trừng phạt chạm đến, trong đó có Abramovich, cổ đông lớn nhất của Evraz, công ty khai khoáng và sản xuất thép Nga có chi nhánh tại bang. Evraz đã bị trừng phạt ở Anh nhưng chưa bị ảnh hưởng ở Thụy Sĩ hay EU.

Không xa Zug, ở Winterthur, là trụ sở của Sulzer, công ty kỹ thuật do tỷ phú Nga Viktor Vekselberg sở hữu 48,8% cổ phần. Vekselberg đã bị Mỹ và Anh trừng phạt.

Khi Ba Lan trừng phạt các hoạt động của Sulzer, đại sứ quán Thụy Sĩ tại Warsaw đã vận động chính phủ Ba Lan đảo ngược động thái này nhưng không thành công, theo một quan chức chính phủ Ba Lan và Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ.

Sulzer cho biết quyết định từ phía Ba Lan là sai lầm vì ông Vekselberg chỉ là một cổ đông nhỏ, không sở hữu cũng như kiểm soát công ty. Người phát ngôn của công ty khẳng định Sulzer cũng không bị trừng phạt ở bất kỳ nơi nào khác.

Người phát ngôn SECO cho hay cơ quan này đang liên hệ chặt chẽ với giới chức Anh để thảo luận về các biện pháp trừng phạt, nhưng “không bị ràng buộc bởi đánh giá của họ”. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết theo luật nước này, chính phủ có thể hỗ trợ các công ty Thụy Sĩ ở nước ngoài và việc xử phạt những công ty con của Sulzer ở Ba Lan đã đe dọa việc làm cũng như gây tổn hại cho các khách hàng.

Giới chức Mỹ và châu Âu cho hay họ đang trông cậy vào chính phủ Thụy Sĩ để tìm ra những công ty hay bất động sản nào ở nước này thuộc về các nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt nhằm đóng băng chúng. Nhưng những quy định về bí mật tài chính của Thụy Sĩ, được ghi rõ trong luật, có thể khiến nhiệm vụ trở nên cực kỳ khó khăn.

Theo tiền lệ pháp lý của Thụy Sĩ, luật sư có thể mở công ty thay mặt khách hàng và sử dụng đặc quyền luật sư – khách hàng để ngăn giới chức tiết lộ danh tính chủ nhân thật sự.

Quy định đăng ký kinh doanh của Thụy Sĩ không yêu cầu các công ty liệt kê chủ sở hữu thực sự, một lỗ hổng được các doanh nhân Nga hay bất kỳ nơi nào khác sử dụng nhằm che giấu quyền sở hữu đối với tài sản của họ, theo các chính trị gia đối lập Thụy Sĩ và những người ủng hộ cải cách tài chính.

Tannler, giám đốc tài chính bang Zug, cũng đứng trước những lời chỉ trích rằng các quan chức địa phương không đào đủ sâu để tìm kiếm những cái tên trong danh sách trừng phạt. Tuy nhiên, ông khẳng định họ đã “làm tốt, làm mọi việc trong khả năng”.

Vũ Hoàng (Theo WSJ)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*