Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa hôm qua gửi email từ chức tới Chủ tịch Quốc hội, vài giờ sau khi ông đặt chân đến Singapore trong nỗ lực tháo chạy khỏi đất nước. Quyết định này chấm dứt sự nghiệp chính trị của Rajapaksa, người từng hứa hẹn xây dựng một Sri Lanka “thịnh vượng và tráng lệ”, nhưng lại đẩy đất nước chìm vào khủng hoảng sau ba năm nắm quyền.
Sinh năm 1949 trong một gia đình chính trị nổi tiếng ở tỉnh Miền Nam Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa nhập ngũ năm 1971. Rajapaksa trở thành thành viên Trung đoàn Gajaba tinh nhuệ, tham gia nhiều chiến dịch lớn trong cuộc nội chiến Sri Lanka và chống phiến quân Những con hổ giải phóng Tamil giai đoạn 1987-1989.
Trong sự nghiệp 20 năm quân ngũ của mình, Gotabaya Rajapaksa được thăng quân hàm trung tá sau nhiều chiến dịch lớn chống lại Những con hổ giải phóng Tamil. Ông giải ngũ năm 1992, di cư tới Mỹ sống trong một thập kỷ, trước khi quay về vào năm 2005 để hỗ trợ anh trai Mahinda Rajapaksa tranh cử tổng thống.
Khi Mahinda Rajapaksa trở thành tổng thống, ông bổ nhiệm Gotabaya Rajapaksa làm bộ trưởng quốc phòng. Trong 4 năm tiếp theo, cựu trung tá này trở thành chỉ huy trên thực tế của quân đội Sri Lanka, tiến hành chiến dịch trấn áp quy mô lớn nhắm vào Những con hổ giải phóng Tamil.
Gotabaya Rajapaksa cho phép thành lập các “biệt đội tử thần” để truy quét phiến quân bằng chiến thuật quyết liệt. Chiến dịch của ông đã góp phần chấm dứt nội chiến nhiều thập kỷ ở Sri Lanka, nhưng cũng khiến khoảng 40.000 người thiệt mạng.
Ngay cả các thành viên trong gia tộc Rajapaksa cũng gọi Gotabaya là “Kẻ hủy diệt” do vai trò của ông trong cuộc chiến. Cựu trung tá cũng được cho là đứng sau của các vụ bắt cóc “xe van trắng” nhắm vào các nhà hoạt động người Tamil và nhà báo, nhưng Gotabaya bác bỏ cáo buộc này.
Tuy nhiên, cáo buộc đó cũng góp phần giúp ông xây dựng hình ảnh một lãnh đạo cứng rắn trong mắt phần lớn người Sinhala, nhóm dân tộc chiếm đa số tại Sri Lanka.
Gotabaya Rajapaksa đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2019 với ủng hộ đông đảo của cộng đồng Phật giáo – Sinhala. Đối với các giáo sĩ Phật giáo có ảnh hưởng ở Sri Lanka, ông là hóa thân của Dutugemunu Đại đế, người được biết đến với chiến tích đánh bại một nhà cai trị Tamil.
Dutugemunu Đại đế trị vì trong 24 năm, nhưng Rajapaksa đã phải rời bỏ đất nước sau chưa đầy ba năm nắm quyền, khiến ông trở thành tổng thống được bầu trực tiếp có thời gian tại vị ngắn nhất Sri Lanka.
Ông lên nắm quyền với lời hứa về một quốc gia phồn vinh, nhưng Sri Lanka giờ đây chìm trong khủng hoảng kinh tế, chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến du lịch và kiều hối, hai trụ cột của nền kinh tế, khiến quốc đảo này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại tệ dẫn đến vỡ nợ.
Nhà chức trách phải liên tục cắt điện do không đủ USD nhập khẩu dầu chạy máy phát điện. 22 triệu dân Sri Lanka đã phải chịu đựng tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng kể từ cuối năm ngoái. Tình cảnh nghèo đói ngày càng lan rộng.
Khi ông Rajapaksa lên nắm quyền vào tháng 11/2019, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka ở mức 7,5 tỷ USD, nhưng gần đây đã giảm xuống chỉ còn một triệu USD, theo Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người đang giữ cương vị quyền tổng thống sau khi người tiền nhiệm từ chức.
Dưới thời Rajapaksa, Sri Lanka vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên vào tháng 4, sau đó tuyên bố phá sản vào tháng 6. Lạm phát cũng không ngừng gia tăng.
Quốc gia từng một thời thịnh vượng đã chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất vào năm 2020, khi nền kinh tế suy giảm 3,6% và dự kiến giảm 7% trong năm nay.
“Ông ấy đã đánh cắp tương lai đất nước”, cựu nghị sĩ Sri Lanka Hirunika Premachandra hét lên khi dẫn đầu một cuộc biểu tình gần đây bên ngoài phủ Tổng thống. “Chúng ta phải thoát khỏi ông ấy”.
Các cuộc biểu tình dần trở nên bạo lực, với đỉnh điểm là khi hàng chục nghìn người tràn vào phủ Tổng thống ngày 9/7, buộc Rajapaksa phải tuyên bố từ chức. Ông sau đó tìm cách chạy tới Maldives trên một máy bay quân sự, rồi tiếp tục bay tới Singapore, bắt đầu cuộc sống lưu vong, chấm dứt “triều đại Rajapaksa” nắm quyền ở Sri Lanka gần hai thập kỷ qua.
Nhiệm kỳ của Rajapaksa được đánh dấu bằng những thay đổi chính sách chóng mặt. Các nhà phê bình cho biết ông đã thu hồi hơn 100 sắc lệnh của chính phủ, bãi bỏ những cải cách dân chủ của chính quyền trước đó và làm cho chiếc ghế tổng thống trở nên quyền lực hơn.
Ngay sau khi nhậm chức, Rajapaksa đã cắt giảm mạnh thuế để làm hài lòng những người ủng hộ đã quyên góp tài chính cho ông. Động thái này được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng của Sri Lanka. Các loại thuế đó giờ đây bắt đầu được điều chỉnh tăng lên.
Dù vậy, theo giới quan sát, sai lầm chính sách lớn nhất của ông là lệnh cấm nhập khẩu phân bón hồi tháng 4 năm ngoái, với tham vọng nhằm biến Sri Lanka trở thành quốc gia 100% nông nghiệp hữu cơ đầu tiên trên thế giới. Nhưng lệnh cấm này đã khiến nông dân Sri Lanka lao đao khi mất hơn 50% sản lượng nông nghiệp, buộc Rajapaksa phải đảo ngược quyết định 6 tháng sau đó.
Khi tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu ngày càng trở nên trầm trọng, người dân khốn khổ vì giá cả tăng vọt, các cuộc biểu tình bắt đầu nhen nhóm trên khắp cả nước.
Trong thời gian đại dịch bùng phát, Rajapaksa từ chối cho phép người Hồi giáo, nhóm thiểu số lớn thứ hai đất nước, chôn cất người thân qua đời vì Covid-19 theo nghi thức truyền thống, mà thay vào đó buộc họ tiến hành hỏa táng. Quyết định này đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng Hồi giáo cũng như các nhóm nhân quyền.
Các nhà sư Phật giáo hoan nghênh việc ông kiên quyết không cho phép người Hồi giáo chôn cất thân nhân, nhưng tình thế đã nhanh chóng thay đổi. Một năm sau, tình trạng thiếu khí đốt buộc các Phật tử phải chôn cất người chết, thay vì hỏa táng theo cách họ mong muốn.
Rajapaksa cho rằng việc ông xuất thân là quân nhân, thiếu kinh nghiệm chính trị là một điểm tốt, giúp mang đến tư duy mới mẻ trong điều hành đất nước, nhưng theo nhà lập pháp Tamil Dharmalingam Sithadthan, những gì ông Rajapaksa coi là ưu thế thực tế lại là điểm yếu.
“Sự non kém về chính trị của Rajapaksa được thể hiện rõ trong cách ông ấy làm việc”, Sithadthan nói. “Ông ấy sa lầy từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác và nghĩ rằng chỉ cần ra lệnh thì mọi thứ sẽ thành hiện thực”.
“Mỗi lần tôi gặp Rajapaksa, ông ấy đều nói rằng mình đang tập trung vào kinh tế và pháp luật. Nhưng ông đã thất bại với cả hai”, Sithadthan nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Guardian, WP)
- Hành trình tháo chạy của Tổng thống Sri Lanka
- Gia tộc bị cáo buộc đẩy Sri Lanka đến bờ vực hỗn loạn
- Sri Lanka – từ đảo thiên đường tới quốc gia vỡ nợ
Để lại một phản hồi