Tổng thống Sri Lanka có thể ra nước ngoài bằng tàu chiến

“Lựa chọn tốt nhất lúc này là đường biển. Ông ấy có thể tới Maldives hoặc Ấn Độ và lên máy bay tới Dubai”, một quan chức quốc phòng Sri Lanka hôm nay cho biết về phương án dùng tàu tuần tra hải quân đưa Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ra nước ngoài.

Phương án khác là thuê một chiếc máy bay cho ông cất cánh từ sân bay quốc tế thứ hai của Sri Lanka ở Mattala, khai trương năm 2013 và được đặt theo tên anh trai Mahinda của Tổng thống. Sân bay này được mô tả là một dự án “voi trắng” của Sri Lanka, tốn nhiều vốn đầu tư mà gần như không được sử dụng.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tại hội nghị COP26 ở Glasgow, Vương quốc Anh hồi tháng 11/2021. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tại hội nghị COP26 ở Glasgow, Vương quốc Anh hồi tháng 11/2021. Ảnh: Reuters.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Gotabaya Rajapaksa được cho là đang tìm phương án ra nước ngoài để tránh nguy cơ bị bắt giam sau khi ông từ chức. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chưa bình luận về thông tin này.

Ông đã cam kết từ chức vào ngày 13/7 và mở đường “chuyển giao quyền lực trong hòa bình” sau khi các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng. Quốc hội Sri Lanka dự kiến họp vào ngày 15/7 và tân tổng thống sẽ được bầu vào ngày 20/7.

Rajapaksa hôm qua tới sân bay quốc tế Bandaranaike ở thủ đô Colombo để bay đến Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nhưng bị nhân viên xuất nhập cảnh từ chối đóng dấu vào hộ chiếu. Ông nghỉ qua đêm tại một căn cứ quân sự gần sân bay, nhưng hiện không rõ tung tích của ông.

Tổng thống Sri Lanka hôm 9/7 sơ tán khỏi dinh thự ở thủ đô Colombo ngay trước khi hàng chục nghìn người biểu tình xông vào. Quân đội Sri Lanka sau đó huy động một tàu chiến sơ tán Tổng thống và các trợ lý tới thành phố cảng Trincomalee, phía đông bắc Sri Lanka. Từ địa điểm này, ông đã lên trực thăng trở về sân bay quốc tế Bandaranaike hôm qua để tới UAE nhưng không thành công.

Sri Lanka tuyên bố phá sản với khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD vào tháng 4 và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để xin gói cứu trợ. Sau gần hai thập kỷ cầm quyền của gia tộc Rajapaksa, đảo quốc này rơi vào hỗn loạn, cạn kiệt nguồn nhiên liệu, thiếu lương thực, thuốc men, khiến cuộc sống của người dân chồng chất khó khăn.

Thanh Tâm (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*