Sông Sindh hùng vĩ chảy qua khu vực đông dân thứ hai của Pakistan. Con sông bắt đầu ở Tây Tạng, chia đôi ở Pakistan khi uốn khúc hơn 3.000 km về phía nam đến biển Arab gần Karachi. Con sông cung cấp sinh kế cho hàng triệu người Pakistan ở hạ lưu.
Tuy nhiên, nhiều nhánh sông cung cấp nước cho con sông ở vùng núi phía bắc đã vỡ bờ sau những trận mưa kỷ lục và sông băng tan chảy gần đây. Dòng nước lũ từ thượng nguồn đang tràn xuống, dự kiến khiến sông Sindh dâng cao trong vài ngày tới, gây thêm khó khăn cho hàng triệu người đang bị lũ lụt ảnh hưởng ở các tỉnh miền nam Pakistan.
Nước sông Indus đã tràn bờ ở một số nơi và dòng chảy sẽ tấn công đập Sukkur trong vài ngày tới. Nếu con đập 90 tuổi này không kiểm soát được dòng lũ, thảm họa sẽ xảy ra.
Con đập có tên gọi ban đầu là Lloyd, được coi là kỳ công kỹ thuật khi được hoàn thành năm 1932, có khả năng xả 1,4 triệu m3 nước mỗi giây qua 19 cổng thép nằm giữa các cột đá khổng lồ.
Đập Sukkur là điểm chụp ảnh ưa thích của khách du lịch tới thành phố cùng tên với dân số hơn 500.000 người, cũng là cây cầu quan trọng bắc qua sông.
“Con đập đã tồn tại 90 năm, dù thời hạn bảo hành chỉ có 50 năm”, Bộ trưởng Thủy lợi Pakistan Syed Khursheed Shah nói. “Chúng tôi đã sử dụng con đập vượt thời hạn bảo hành 40 năm”.
Nước sông Indus được con đập chuyển hướng tới hàng loạt kênh đào có tổng chiều dài gần 10.000 km chảy qua các vùng đất nông nghiệp. Nhưng công tác quản lý, bảo trì lơ là trong nhiều năm qua khiến con đập có nguy cơ không đối phó nổi lượng đợt lũ kỷ lục hiện nay.
“Phù sa chất đống mà không được nạo hút”, Bộ trưởng Shad nói, cho hay các kênh dẫn nước không được nạo vét từ năm 2010 do thiếu thiết bị.
Phù sa dày nhiều mét cản trở dòng chảy, có khả năng gây lũ lụt ở Indus. Nước lũ đã bắt đầu tràn vào đường phố Sukkur, thấm qua tường các tòa nhà dọc đường Bandar, con đường dẫn tới đập.
“Thành phố đang nằm dưới mực nước sông 1,2 mét”, Bộ trưởng Shah cho hay.
Irshad Ali, nông dân 42 tuổi sống gần thành phố Sukkur, buồn phiền vì mùa màng và cây chà là thất thu do mưa lũ. “Nước sông cuồn cuộn dâng lên khiến chúng tôi sợ hãi”, Ali nói. “Tình hình có thể rất nghiêm trọng”.
Các kỹ sư thủy lợi ngày 28/8 đang ra sức gia cố đê Ali Wahan, nhằm bảo vệ thành phố Sukkur trước dòng nước ngày càng dâng cao của sông Indus. “Bờ kè ở đây đang rất vững chắc, máy móc và nhân viên thường xuyên túc trực”, Shahid Hussain, giám sát công trình, nói.
“Có một điểm tốt là thời điểm”, ông nói, giải thích nước lũ do mưa trút xuống thành phố sẽ rút đi, trước khi dòng nước từ thượng nguồn đổ xuống. Nhưng nếu thành phố Sukkur tiếp tục hứng chịu mưa lớn, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng.
“Rất may là dự báo thời tiết cho thấy vài ngày tới không có mưa”, Bộ trưởng Shah nói.
Chính phủ Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp do mưa lũ kỷ lục ảnh hưởng tới gần 33 triệu người trên toàn quốc. Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan ngày 28/8 cho biết số người chết do mưa lũ từ tháng 6 tới nay đã lên tới 1.033 người.
Cơ quan này cho hay mưa lũ năm nay có thể so sánh với 2010, năm nghiêm trọng nhất từng ghi nhận, với hơn 2.000 người thiệt mạng và gần 1/5 diện tích đất nước chìm trong nước lũ.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Để lại một phản hồi