“Sau nhiều tuần trao đổi căng thẳng nhưng hiệu quả, Liên bang Nga lại quyết định chặn sự đồng thuận về một tuyên bố cuối cùng”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói ngày 28/8.
Theo Patel, động thái của Nga “nhằm chặn các nội dung thừa nhận nguy cơ thảm họa phóng xạ nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine”.
“Bất chấp sự phá rối đầy hoài nghi từ Nga, các bên khác đều ủng hộ dự thảo tuyên bố chung, thể hiện vai trò quan trọng của hiệp ước trong ngăn phổ biến vũ khí hạt nhân”, Patel bổ sung. Ông nhắc lại lời kêu gọi Nga chấm dứt hoạt động quân sự gần Zaporizhzhia và “trả lại quyền kiểm soát nhà máy cho Ukraine”.
Nga hiện chưa đưa ra bình luận.
Phái đoàn các quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, từ ngày 1 đến 26/8. Nga ngày 26/8 ngăn Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo tuyên bố chung với lý do “một số đoạn văn bản có tính chất chính trị trắng trợn” và thiếu “cân bằng”.
Dự thảo bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về các hoạt động quân sự gần các nhà máy điện của Ukraine, trong đó có Zaporizhzhia, việc Kiev mất quyền kiểm soát các cơ sở này và tác động đến tính an toàn.
Tuyên bố chung cần được toàn bộ các quốc gia tham gia hội nghị thông qua. Một số nước, trong đó có Hà Lan và Trung Quốc, đã bày tỏ thất vọng. Tại kỳ họp đánh giá gần nhất năm 2015, các bên cũng không thể đạt đồng thuận.
Nga kiểm soát Zaporizhzhia từ tháng 3, không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng cơ sở vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này đang là tâm điểm chú ý khi Ukraine và Nga cáo buộc lẫn nhau tập kích cơ sở. Energoatom, đơn vị vận hành nhà máy, đã cảnh báo nguy cơ rò rỉ phóng xạ.
Zaporizhzhia, nơi sản xuất 19% lượng điện của Ukraine năm 2020 và là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, có 6 lò phản ứng lớn và 6 bể làm mát với hàng trăm tấn nhiên liệu hạt nhân. Ba lò đang hoạt động và ba lò đã đóng cửa kể từ khi cuộc xung đột bùng phát.
NPT được ký năm 1968, hợp pháp hóa kho vũ khí hạt nhân của Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc, đồng thời tước quyền chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân của các quốc gia khác. Hơn 190 quốc gia là thành viên của NPT, ngoại trừ Ấn Độ, Israel, Pakistan và Triều Tiên. Hiệp ước được đánh giá 5 năm một lần.
Áo, một quốc gia trung lập và phi hạt nhân, ngày 27/8 lên án thái độ của các cường quốc tại hội nghị năm nay.
“Trong khi 3/4 số quốc gia tham gia hiệp ước ủng hộ có tiến triển đáng tin cậy trong giải trừ vũ khí hạt nhân, các quốc gia hạt nhân, không riêng Nga, lại đi ngược điều này”, chính phủ Áo cho biết trong một thông báo. Theo Vienna, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ đều đang cải tiến hoặc mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Như Tâm (Theo AFP, BBC)
Để lại một phản hồi