Thế chân kiềng để kinh tế Quảng Ngãi phát triển bền vững

Quảng Ngãi chú trọng phát triển công nghiệp, đi kèm với du lịch và logistics, phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh khá của cả nước. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi

Phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh khá của cả nước

Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi cho hay, trong quy hoạch tỉnh nhấn mạnh tính chiến lược của việc liên kết vùng với định hướng phát triển hạ tầng quốc gia như cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 1, tuyến đường sắt, cao tốc CT22, Quốc lộ 24, 24B, 24C, cảng biển nước sâu Dung Quất, tuyến hàng hải quốc gia, sân bay Chu Lai. Kế đến là liên kết vùng với Khu kinh tế mở Chu Lai, với các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và liên kết thị trường, phát huy kinh tế biển xanh, kinh tế rừng xanh, nông nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quảng Ngãi cần phải tiếp tục thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên các tiềm năng và thế mạnh mới của tỉnh, đồng thời phải phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước những năm tới.

Để tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế mới, tranh thủ và tận dụng tốt các xu thế phát triển của thế giới, cần thiết phải lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công cụ quan trọng để tỉnh định hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn trong thời kỳ tới.

Quy hoạch trước tiên là công cụ quản lý, nhưng cũng là công cụ để thu hút đầu tư, liên kết vùng và công cụ quảng bá thương hiệu của tỉnh. Ngoài ra, tích hợp, đồng bộ và cụ thể hóa các định hướng tổ chức không gian và phát triển những ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn tỉnh là nền tảng để triển khai các quy hoạch ngành, có tính chất kỹ thuật, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, kết nối giữa các hệ thống quy hoạch.

Ngành công nghiệp là nền tảng, sản xuất – chế biến tạo giá trị gia tăng và giá trị khác biệt, thương mại dịch vụ và khoa học, công nghệ là mũi nhọn để tăng tốc. Tỉnh xác định, triết lý của sự phát triển là phải đảm bảo bền vững môi trường và xã hội.

Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Quảng Ngãi, gắn kết với sự phát triển của các ngành kinh tế khác, hướng đến xây dựng thương hiệu riêng biệt và mang tính độc đáo cho các sản phẩm, dịch vụ toàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề ra những định hướng phát triển phù hợp trong tình hình mới. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các hạ tầng trọng điểm có tác động lan toả.

“Vấn đề trọng tâm xuyên suốt của quy hoạch tỉnh lần này là khát vọng phát triển, phát huy thế mạnh tiềm năng của tỉnh, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích cho các thành phần trong xã hội và bảo vệ môi trường. Mục tiêu hướng đến là phát triển bền vững, hài hòa, nâng cao đời sống người dân, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”, bà Trần Thị Mỹ Ái nói.

Quảng Ngãi đang theo lộ trình đến năm 2025 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá của khu vực miền Trung, tạo tiền đề để đến năm 2030 đứng trong nhóm địa phương phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

Phát triển hài hòa, bền vững

Dự kiến, trong giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Ngãi đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7 – 8%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 4.200 – 4.400 USD; tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 69-70%, trong đó công nghiệp – xây dựng khoảng 40-41% GRDP.

Ngoài ra, Quảng Ngãi đặt mục tiêu vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 5 năm ít nhất là 150.000 tỷ đồng. Năng suất lao động xã hội tăng bình quân 6-8%/năm. Phấn đấu thực hiện vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách Trung ương giao hàng năm trên 5%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 35%. Có 119 xã và 6 huyện đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm từ 900 đến 1.000 doanh nghiệp.

Về hệ thống đô thị, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ có 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV, 1 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Giai đoạn 2026-2030, hệ thống đô thị Quảng Ngãi bao gồm: 1 đô thị loại I; 2 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại III; 1 đô thị loại IV; 4 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV; 11 đô thị loại V. Đến năm 2050, hệ thống đô thị tỉnh Quảng Ngãi có khoảng trên 20 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, khoảng 15 đô thị loại IV và các đô thị loại V khác tùy theo tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Theo bà Trần Thị Mỹ Ái, Quảng Ngãi phát triển hài hòa và bền vững các giá trị xã hội, môi trường và các giá trị kinh tế là yêu cầu xuyên suốt.

“Định hướng thời gian tới, tỉnh sẽ vẫn tập trung phát triển công nghiệp để làm động lực. Trong tương lai, nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, xanh. Dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần, bên cạnh các ngành kinh doanh dịch vụ truyền thống khác, sẽ là sức bật mới, giúp tạo dựng một hình ảnh Quảng Ngãi năng động hơn, sáng tạo hơn”, bà Ái nói.

Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện tốt chiến lược này, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp.

Theo đó, Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với tính chất và nhu cầu của từng địa phương theo từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa qua địa bàn, hỗ trợ xuất khẩu và phục vụ các liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ.

Ưu tiên các hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, kết nối cao giữa các địa phương như hạ tầng thương mại điện tử. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại chuyển đổi và tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín, qua đó mở rộng kết nối với các thị trường lớn trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, tỉnh sẽ cơ cấu lại ngành thương mại theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng phát triển các liên kết hạ tầng có khả năng tương hỗ lẫn nhau như giao thông – logistics – sản xuất chế biến – thương mại – công nghệ để tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái của khu vực, của cả nước và toàn cầu.

Với lĩnh vực du lịch, tại khu vực ven biển, Quảng Ngãi sẽ phát triển các điểm du lịch biển xen kẽ những không gian có giá trị sinh thái và các làng chài. Nâng cao chất lượng đô thị hướng đến phát triển đô thị xanh, làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng đồng thời kinh tế xanh và xanh lam. Định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho toàn tỉnh.

Quảng Ngãi cũng sẽ ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư hạ tầng và những khu chức năng để phát triển các khu đô thị động lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp và đô thị. Hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ, quản lý đô thị chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ trong quản lý và cung cấp dịch vụ. Lập quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng các đô thị, trung tâm thị trấn, thị xã…

Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi là một tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép. Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Các loại hình dịch vụ tiên tiến, hiện đại và đặc sắc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; các loại hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trở thành mũi nhọn của lĩnh vực nông nghiệp. Hệ thống hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với nhu cầu phát triển; xây dựng hệ thống đô thị thông minh…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*