Tầm nhìn quy hoạch miền Trung – Tây Nguyên: Hành trang để phát triển ổn định, bền vững

Miền Trung – Tây Nguyên cần sớm hoàn thành Đồ án quy hoạch để định hình chiến lược phát triển lâu dài và bền vững. Ảnh: Sơn Thắng

Liên kết xây dựng quy hoạch

Tại nhiều hội thảo khu vực gần đây, các chuyên gia kinh tế luôn đặt ra câu hỏi: “Tại sao khu vực miền Trung – Tây Nguyên hội tụ nhiều tiềm năng và lợi thế, được Chính phủ đặt nhiều kỳ vọng trở thành khu vực phát triển năng động, nhưng kết quả đạt được vẫn thấp?”.

Đơn cử, tại Hội thảo Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết tạo động lực phát triển diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, TS. Hoàng Hồng Hiệp, quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Trung bộ nhìn nhận, vai trò động lực, chức năng đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn khá hạn chế, mờ nhạt.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề hiện nay đối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung là chưa có sự liên kết chặt chẽ, chưa có sự thống nhất mang tính đồng bộ để xây dựng đồ án quy hoạch chung cho vùng.

Chính vậy, khu vực miền Trung – Tây Nguyên cần sớm xây dựng và ban hành quy hoạch chung về phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần thống nhất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong thu hút đầu tư.

Liên quan tầm nhìn quy hoạch, TS. Hoàng Hồng Hiệp cho biết, quy hoạch vùng thường làm sau quy hoạch của các tỉnh, thành phố và quy hoạch các ngành, lĩnh vực, dẫn đến tính tổng thể chưa cao.

Dưới góc nhìn này, PGS-TS Lê Văn Đính (Học viện Chính trị Khu vực III) cho rằng, quy hoạch vùng cần chính sách thống nhất, nhất là chính sách ưu đãi. Đó là các chính sách ưu đãi hỗ trợ chung, như ưu đãi đối với các dự án đầu tư có quy mô vốn lớn, ưu đãi theo từng ngành nghề, lĩnh vực…

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, các địa phương rất ít chú ý đến ý kiến của các địa phương liền kề, ít quan tâm đến quy hoạch của địa phương khác, khiến các địa phương trong vùng có bộ khung quy hoạch gần giống nhau, dẫn đến thừa năng lực sản xuất, đầu tư dàn trải, trùng lặp, thiếu liên kết.

Tầm nhìn chiến lược

Từ thực tế trên, đòi hỏi các địa phương phải cẩn trọng hơn trong việc tập hợp các ý kiến góp ý từ nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các đơn vị tư vấn, với mục đích cuối cùng là xây dựng đồ án quy hoạch địa phương sao cho phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.

Quy hoạch phải mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn mới, phù hợp với xu thế thời đại, tạo ra sự khác biệt, chứ không phải theo lối mòn.

Trên quan điểm này, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, phải định vị được tầm vóc và vị thế tỉnh Quảng Nam trên bản đồ Việt Nam. Để làm được điều này, tỉnh đã triển khai hàng loạt quy hoạch chiến lược, phù hợp với điều kiện phát triển.

“Quy hoạch phải mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn mới, phù hợp với xu thế thời đại, tạo sự khác biệt, chứ không phải theo lối mòn. Đề xuất ý tưởng quy hoạch dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh, quy hoạch phải mang tính toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, địa bàn”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cho rằng, để định hình được một quy hoạch mang tính chiến lược, tầm nhìn xa, rộng, đảm bảo phát triển bền vững, thì các cấp chính quyền phải có khát vọng, dám nghĩ, dám làm.

Quy hoạch đóng vai trò hết sức quan trọng trong định hình hướng phát triển của địa phương. Điều này đã từng được ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên khẳng định. Theo đó, việc đầu tiên của Phú Yên hiện nay là phải xây dựng Đồ án Quy hoạch tổng thể. Quy hoạch sẽ là khung để định hướng thu hút đầu tư, cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết mà nhà đầu tư quan tâm. Quy hoạch như bộ khung để định hình sự phát triển lâu dài, ổn định và bền vững cho Phú Yên.

TP. Đà Nẵng từng có một thời gian dài được các chuyên gia đánh giá là mô hình kiểu mẫu về định hướng quy hoạch, nhưng khi bước vào giai đoạn mới, Đà Nẵng cảm nhận được sự “lỗi thời” của mình và cần có tầm nhìn mới, cần có sự thay đổi để phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài. Dưới góc độ này, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, TP. Đà Nẵng có thể hướng tới việc thoát khỏi thời kỳ “ăn no, mặc ấm” để chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp”.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Đồ án Quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, Đà Nẵng là thành phố cảng biển, du lịch, dịch vụ, thành phố lớn. Đà Nẵng là cửa ngõ chính, quan trọng để phát triển kinh tế quốc gia, là thành phố đáng sống của Việt Nam với định hướng đô thị thông minh.

“Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng lần này phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng đời sống người dân, có định hướng phát triển thành phố tương lai hiện đại, bài bản, là trung tâm lớn của miền Trung – Tây Nguyên”, Kết luận nhấn mạnh.

Định hướng chiến lược của miền Trung – Tây Nguyên luôn được Chính phủ quan tâm. Điều này được thể hiện rõ trong Quyết định 892/QĐ-TTg ký ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến 2030.

Quyết định này nhấn mạnh cụ thể từng khu vực của miền Trung, định hướng phát triển rõ ràng, chi tiết trong từng lĩnh vực, từng ngành của các tỉnh ven biển miền Trung. Trong đó, Chính phủ chỉ rõ từng khu vực như Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Nam Trung bộ sẽ ưu tiên phát triển những ngành nghề nào? Định hướng phát triển ra sao? Liên kết giữa các địa phương như thế nào?… Quyết định này đã định hình được một bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế biển của các tỉnh miền Trung trong tương lai. Quan trọng hơn, Quyết định đã mở ra những định hướng đầu tư mang tính chiến lược, phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương, từng khu vực, qua đó mở ra nhiều cơ hội đầu tư thiết thực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*