Thách thức chờ đợi tân thủ tướng Anh

Chiếc xe tải chuyển đồ cho Thủ tướng Boris Johnson đã rời khỏi số 10 Phố Downing. Trong hôm nay, tên chủ nhân mới của dinh thự này, thủ tướng thứ ba của Anh trong 6 năm, sẽ được đảng Bảo thủ cầm quyền công bố.

Quá trình thay đổi lãnh đạo của Anh sẽ diễn ra rất chóng vánh. Gần trưa ngày 6/9, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của Ngoại trưởng Liz Truss hoặc cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, hai ứng viên cuối cùng trong cuộc đua vào ghế thủ tướng, tại điền trang Balmoral của bà ở Scotland. Vài giờ sau, nội các và đội ngũ lãnh đạo của tân thủ tướng Anh sẽ được công bố.

Nhưng dù bà Truss hay ông Sunak là người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của khoảng 180.000 thành viên đảng Bảo thủ, họ đều phải đối mặt với rất nhiều thách thức của nước Anh.

Anh đang đứng trước những gì mà các nhà nghiên cứu gọi là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ trước Thế chiến II. Do khủng hoảng khí đốt trên thị trường quốc tế, hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình Anh đã tăng gấp đôi kể từ mùa xuân và có thể tăng gấp ba vào đầu năm 2023.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng có tới 1,7 triệu hộ gia đình Anh có thể không thanh toán nổi hóa đơn điện, khí đốt sau đợt tăng giá tiếp theo vào tháng 10, dự kiến ở mức 80%.

“Người Anh đang chứng kiến chi phí tăng vọt vì hóa đơn năng lượng và thực phẩm đều tăng”, Elizabeth Ebhodaghe, thành viên đảng Bảo thủ, nói. “Tôi muốn lãnh đạo mới trung thực và minh bạch”. Ebhodaghe và nhiều đảng viên Bảo thủ khác cho rằng đây là những phẩm chất mà ông Johnson thiếu hụt trong quá trình nắm quyền.

Cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss tại sự kiện ở London hôm 31/8. Ảnh: Reuters.

Cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak (trái) và Ngoại trưởng Liz Truss tại sự kiện ở London hôm 31/8. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Truss và cựu bộ trưởng tài chính Sunak đã dành cả mùa hè để chạy đua cho vị trí thủ tướng, trong loạt cuộc họp với các thành viên của đảng. Cuộc họp gần đây nhất là vào đầu tuần trước tại Wembley, nhưng cả hai ứng viên đều không vạch ra được họ sẽ đề ra chính sách nào để vượt qua cuộc khủng hoảng.

“Tình hình hiện tại không tốt. Hy vọng giá năng lượng cao chỉ là vấn đề tạm thời”, Christiaan Coetzee, thành viên Bảo thủ, nói.

Tờ Times hôm 2/9 đưa tin các doanh nghiệp bên bờ vực phá sản có thể được hưởng lợi nhờ hàng tỷ bảng Anh cắt giảm thuế nếu bà Truss thắng, nhưng bản thân ứng viên này cũng không biết kế hoạch đó sẽ được thực thi thế nào.

“Tôi sẽ đảm bảo rằng chúng ta không lấy tiền từ người dân bằng cách thu thuế rồi trả lại họ bằng giấy tờ”, bà Truss nói trong cuộc họp ở Wembley tuần trước.

Điều này trái ngược với ông Sunack, người ủng hộ hình thức hỗ trợ trực tiếp với các gói có thể lên tới 10 tỷ bảng Anh (gần 11,5 tỷ USD). Tuy nhiên, ông chưa đưa ra kế hoạch cụ thể cho chương trình này.

“Bà ấy nghĩ rằng cắt giảm thuế sẽ giúp ích, nhưng thực tế là không. Chúng ta sẽ đẩy hàng triệu người dễ bị tổn thương vào cảnh túng quẫn thực sự”, ông Sunak nói trong cùng cuộc họp với bà Truss.

Trong suốt chiến dịch tranh cử mùa hè, cả hai ứng viên đã cố gắng cho mọi người thấy hình ảnh bản thân là lãnh đạo quan tâm nhiều nhất tới các giá trị bảo thủ truyền thống.

Ông Sunak cam kết tuyển thêm nhân viên biên phòng và tăng xử phạt những người vẽ bậy hoặc xả rác bừa bãi. Trong khi đó, bà Truss tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng và thậm chí có thể loại bỏ hạn chế tốc độ trên đường cao tốc Anh.

Chiến dịch tranh cử của bà Truss cũng thường dẫn tới những so sánh với người phụ nữ mà nhiều người Bảo thủ xem là một trong những chính trị gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

“Liz Truss muốn được xem như Margaret Thatcher”, Joe Twyman, người đứng đầu Deltapoll, công ty thăm dò dư luận Anh, nói. “Thatcher luôn được những người trung thành với đảng Bảo thủ tôn kính. Bà Truss muốn đưa vai trò của Anh trên thế giới và vai trò của đảng Bảo thủ ở Anh trở lại. Quay lại thời kỳ đó là điều hấp dẫn với rất nhiều thành viên đảng Bảo thủ”.

Ngoại trưởng Truss, 47 tuổi và từng theo học ở Oxford, đã phục vụ trong nội các của ba thủ tướng đảng Bảo thủ gần đây, gồm David Cameron, Theresa May và Johnson.

Khi 12 tuổi, bà cùng bố mẹ chuyển tới Vancouver và học một năm tiểu học tại Burnaby, một trải nghiệm mà bà nói đã “thay đổi quan điểm về cuộc sống”, dù không giải thích cụ thể.

Ông Sunak, 42 tuổi, đã tôn vinh nguồn gốc nhập cư khi là con trai của một người Ấn gốc Phi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, ông đã có được những công việc tốt tại các ngân hàng đầu tư lớn như Goldman Sachs. Ông cũng là thành viên giàu nhất của quốc hội Anh, theo Sunday Times. Vợ ông, bà Akashata Murty, là con gái của một tỷ phú Ấn Độ.

Trong phần lớn nhiệm kỳ của Thủ tướng Johnson, ông Sunak được xem là người kế nhiệm tiềm năng cho đến khi có quá nhiều vụ bê bối mà Johnson gây ra, khiến Sunak phải từ chức bộ trưởng tài chính và kêu gọi thủ tướng từ nhiệm. Động thái của Sunak được coi là đòn chí mạng đối với vai trò lãnh đạo của ông Johnson. Kể từ đó, cơ hội kế nhiệm thủ tướng của ông Sunak trở nên mong manh.

“Đảng Bảo thủ xem Rishi Sunak là kẻ phản bội”, Anand Menon, nhà khoa học chính trị tại Đại học Kings London, nói. “Ông ấy đã chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử nhiều tháng trước khi ông Johnson từ chức. Vì vậy tôi nghĩ điều đó đã làm giảm tỷ lệ ủng hộ dành cho ông ấy”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson rời văn phòng ở số 10 phố Downing hôm 5/7. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Anh Boris Johnson rời văn phòng ở số 10 phố Downing hôm 5/7. Ảnh: AFP.

Mục tiêu cuối cùng của đảng Bảo thủ là lãnh đạo mới sẽ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, dự kiến kết thúc trước tháng 1/2025. Hiện tại, cơ hội đảng Bảo thủ giành chiến thắng được cho là thấp hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong suốt 12 năm cầm quyền của đảng.

Công đảng của Keir Starmer đã liên tục dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận, khi họ cam kết hỗ trợ hóa đơn năng lượng của người dân, cũng như tạo ra sự khác biệt bằng cách đánh thuế các công ty năng lượng và người giàu.

“Nếu đà dẫn trước này không có dấu hiệu suy giảm sau vài tháng, lãnh đạo đảng Bảo thủ và tân thủ tướng sẽ thực sự đối mặt với vấn đề nan giải”, Twyman nói.

Tân thủ tướng Anh cũng sẽ phải vật lộn để thoát khỏi cái bóng của Johnson, người vẫn nhận được sự ủng hộ lớn dù bị các thành viên trong chính quốc hội của ông quay lưng. Truyền thông Anh thậm chí không loại trừ khả năng ông Johnson sẽ trở lại nếu người kế nhiệm thất bại.

Trong khi đó, ông Johnson cũng không phủ nhận khả năng sẽ tái tranh cử và không cho biết ông dự định làm nghị sĩ bao lâu nữa.

“Nhiều người nghĩ rằng ông ấy từ chức là đúng, nhưng khi nói đến người thay thế, họ không thấy ai phù hợp”, Twyman nói. “Nếu bạn hỏi công chúng ai sẽ là thủ tướng giỏi nhất trong ba người, gồm Rishi Sunak, Liz Truss hay Boris Johnson, ông Johnson vẫn chiến thắng”.

Thanh Tâm (Theo CBC)

  • Thủ tướng Johnson từ chức giúp ‘cứu vãn hình ảnh nước Anh’
  • Di sản hỗn loạn trong nhiệm kỳ Thủ tướng Johnson
  • Chuyện gì xảy ra sau khi Thủ tướng Anh từ chức?
  • Những bê bối nhấn chìm nhiệm kỳ Thủ tướng Johnson

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*