Với việc giá dầu leo dốc trong nửa đầu năm, Rosneft chứng kiến doanh thu tăng trưởng tích cực so với năm 2021, dù các nước phương Tây đang áp đặt lệnh cấm vận lên nước Nga, cũng như các loại hàng hoá từ Nga. Cùng với đà tăng của doanh thu, lợi nhuận của Công ty tăng 13% trong nửa đầu năm, đạt 432 tỷ rubles, tương đương 7,2 tỷ USD.
“Rosneft đang phải chịu những áp lực chưa từng có từ các yếu tố thù địch bên ngoài cũng như các lệnh cấm vận không công bằng”, Igor Sechin, CEO Rosneft cho biết.
Kể từ khi các lệnh cấm vận của phương Tây được đưa ra vào tháng 2/2022, khi Nga và Ukraine xung đột, ngành dầu khí của Nga đã gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các khách hàng lớn bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ đã nhanh chóng thu mua nhiều dầu mỏ từ Nga hơn nữa, với mức giá chiết khấu cao.
Chẳng hạn, tỷ trọng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ tăng từ mức chỉ 2% vào tháng 2/2022 lên 12% vào tháng 8/2022, tức tăng gấp 5 lần.
Trong thời gian tới, ngành công nghiệp năng lượng của Nga nói chung và Rosneft nói riêng sẽ đối diện thêm nhiều thách thức. Nhất là khi các quốc gia G7 đang có ý định thiết lập mức giá trần với dầu mỏ từ Nga. Mới đây, Mỹ và các quốc gia G7 đã công bố hướng dẫn sơ bộ, trong đó cấm các công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính tham gia vào các thương vụ liên quan tới dầu mỏ từ Nga, nếu người mua không tuân thủ theo giá trần được đặt ra.
Chưa kể, cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm khoảng 1,9 triệu thùng/ngày sau khi EU bắt đầu áp dụng các lệnh cấm vận mới vào tháng 12/2022.
“1 – 1,4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga sẽ phải tìm kiếm khách hàng mới. Nếu EU cấm các dịch vụ đường biển, nhiều khả năng các quốc gia thứ ba khác cũng buộc phải áp dụng các lệnh cấm vận với dầu mỏ Nga”, báo cáo của IEA cho biết.
Để lại một phản hồi