Cuộc chiến ở Ukraine đang bước vào giai đoạn mới và có khả năng nguy hiểm hơn nhiều. Sau khi quân đội Ukraine nhận thêm hỗ trợ của phương Tây và mở chiến dịch phản công chớp nhoáng ở vùng Kharkov, Nga đang có những động thái leo thang mới.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/9 ra lệnh động viên một phần để có thể huy động khoảng 300.000 quân dự bị tới Ukraine, đồng thời cảnh báo Moskva có thể sử dụng “mọi công cụ ở mức độ hủy diệt khác nhau” để bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ”, ám chỉ tới vũ khí hạt nhân. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev sau đó lưu ý cảnh báo của Tổng thống Putin không phải “lời đe dọa suông”.
Chính quyền thân Nga ở 4 vùng Zaporizhzhia, Kherson, Lugansk và Donetsk của Ukraine ngày 27/9 thông báo đã hoàn thành trưng cầu dân ý với kết quả đa số cử tri chọn sáp nhập Nga. Điện Kremlin thông báo ông Putin sẽ ký sắc lệnh chính thức sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine vào ngày 30/9.
“Tất cả những động thái này đều cho thấy nguy cơ xung đột Ukraine leo thang nghiêm trọng”, Eugene Chausovsky, nhà phân tích chính trị cấp cao tại Viện Newlines ở Mỹ, cho hay. Ông cảnh báo ngay khi Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine, kịch bản chiến sự leo thang hơn nữa là điều “không thể tránh khỏi”.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói Ukraine sẽ không đàm phán với Nga sau khi Moskva tổ chức trưng cầu dân ý. Trong khi đó, Tổng thống Putin tuyên bố Nga vẫn sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng thêm rằng điều kiện thương lượng sẽ thay đổi theo tình hình thực tế.
Dù tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai nước đã đình trệ từ cuối tháng 3, giới quan sát nhận định nỗ lực hòa giải quốc tế trong xung đột không hoàn toàn vô ích. Điển hình cho nỗ lực này là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, thỏa thuận được Moskva – Kiev ký ngày 22/7 với vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc.
Sau hơn 2 tháng thực hiện, thỏa thuận đã giúp giảm bớt áp lực kinh tế ở Ukraine và tình trạng thiếu lương thực trên thế giới. “Đây là bằng chứng cho thấy Kiev và Moskva vẫn có thể đạt được hợp tác thực tế giữa xung đột”, Chausovsky cho hay.
Một nhân tố quan trọng trong cuộc đàm phán thành công này là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nổi lên như một bên trung gian hòa giải tích cực và hiệu quả nhất giữa Nga và Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.
Với vị thế là thành viên NATO duy nhất không ủng hộ lệnh trừng phạt Nga, cũng như có mối quan hệ mang tính xây dựng với cả Moskva và Kiev, Ankara có đòn bẩy chính trị rất lớn để đảm nhận vai trò trung gian hòa giải cho xung đột. Ngoài ra, vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen và cửa ngõ Bosphorus tới Địa Trung Hải khiến Ankara trở nên quan trọng về mặt hậu cần. Bất kỳ chuyến hàng nào đi qua Biển Đen đều phải qua các eo biển do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát để tiếp cận thị trường toàn cầu.
Vai trò của Liên Hợp Quốc cũng quan trọng vì mang lại tính hợp pháp đa phương cho thỏa thuận, đặc biệt khi xung đột Nga – Ukraine gây ra các vấn đề lương thực mang tính toàn cầu.
Kể từ khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được đưa ra, gần 200 chuyến tàu ngũ cốc đã xuất cảng, cung cấp hơn 4 triệu tấn lương thực cho thế giới. Một thỏa thuận như vậy giúp cả Nga và Ukraine giải phóng các lô hàng ngũ cốc, trong khi không yêu cầu hai bên thỏa hiệp về các lợi ích chiến lược lớn hơn.
Thỏa thuận cũng góp phần giải quyết những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về tình trạng thiếu lương thực và lạm phát. Tất cả các bên đã có sự đồng thuận để phối hợp thực hiện, cho phép ngoại giao được tiến hành một cách nghiêm túc và thỏa thuận được thực hiện mà không vấp phải rào cản chính trị.
Theo các nhà phân tích, đây là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy Nga và Ukraine hướng tới một thỏa thuận ngoại giao lớn hơn, nhằm chấm dứt, hoặc ít nhất là giảm thiểu leo thang xung đột.
Một khảo sát gần đây do Viện Quincy có trụ sở ở Washington tiến hành cho thấy 57% người được hỏi ủng hộ Mỹ theo đuổi các cuộc đàm phán ngoại giao càng sớm càng tốt để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Khoảng 47% cho biết họ chỉ ủng hộ Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine nếu Washington tham gia vào nỗ lực ngoại giao như vậy.
Herb Boyd, giảng viên Đại học New Rochelle, Mỹ, cho rằng kết quả khảo sát này cho thấy chi phí của cuộc chiến kéo dài ở Ukraine bắt đầu tác động tới suy nghĩ của người Mỹ. Đây có thể là một trong những động lực thúc đẩy các bên hướng tới con đường đàm phán ngoại giao.
“Giống như Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, điều quan trọng của bất kỳ thỏa thuận nào là phải có một mục đích chung và những điều khoản được tất cả các bên đồng thuận. Dù giữa Moskva, Kiev và phương Tây đang có quan điểm rất khác nhau, vẫn có những mục tiêu chung mà các bên có thể đạt được, ngay cả khi đó chỉ là nhằm ngăn tình hình leo thang gây thêm tổn hại cho các bên”, Chausovsky nhận xét.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có thể cung cấp một khuôn khổ hữu ích để ngăn leo thang xung đột Ukraine, theo các nhà quan sát. Thổ Nhĩ Kỳ không che giấu mong muốn trở thành trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn lớn hơn giữa Nga và Ukraine. Ankara hy vọng kinh nghiệm từ đàm phán sáng kiến ngũ cốc thành công và cuộc trao đổi tù binh gần đây mà họ làm trung gian có thể được tận dụng cho mục tiêu này.
Thành công trong hòa giải cả trong những vấn đề tương đối nhỏ cũng có thể giúp tạo nền tảng cho giảm leo thang trong tương lai.
“Tất nhiên làm trung gian hòa giải cho các vấn đề về lãnh thổ và đảm bảo an ninh là thách thức lớn hơn nhiều, đồng thời có khả năng cả Nga và Ukraine sẽ không chịu ngồi vào bàn đàm phán khi đang tìm cách giành lợi thế trên chiến trường”, nhà phân tích Chausovsky nói. “Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất đã đặt xung đột Ukraine đứng trước ngã rẽ, với một bên là nguy cơ leo thang nghiêm trọng và một bên là cơ hội cho giải pháp ngoại giao”.
Thanh Tâm (Theo Foreign Policy)
- Nga dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine – kịch bản gây rủi ro lớn
- Nga khó lay chuyển quyết tâm ủng hộ Ukraine của phương Tây
- Sống dưới làn đạn pháo tại chảo lửa Donbass
- Động viên quân, Nga khó thay đổi cục diện chiến trường Ukraine
Để lại một phản hồi