Thụy Điển không cho Nga tham gia điều tra sự cố Nord Stream

“Tại Thụy Điển, các cuộc điều tra sơ bộ mang tính bí mật và điều đó đương nhiên được áp dụng trong trường hợp này”, Thủ tướng Magdalena Andersson ngày 10/10 bình luận về yêu cầu tham gia điều tra sự cố rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và 2 do Nga đưa ra.

“Chúng tôi đã dỡ bỏ lệnh cấm và các tàu khác có thể tới khu vực”, bà Andersson nói, đồng thời cho biết một nhóm điều tra chung trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU) đang tìm hiểu về sự cố trên hai tuyến Nord Stream. Vị trí rò rỉ nằm trên vùng biển quốc tế, do đó Nga có thể tiếp cận dù khu vực nằm trong EEZ của Thụy Điển.

Thủ tướng Andersson thông báo chính phủ Thụy Điển đang soạn phản hồi cho thư của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, yêu cầu Stockholm cho Moskva và Gazprom, tập đoàn năng lượng sở hữu phần lớn hai tuyến Nord Stream, tham gia cuộc điều tra.

Bong bóng khí rò rỉ từ đường ống Nord Stream 1 nổi lên bề mặt biển Baltic ngày 28/9. Ảnh: Cảnh sát biển Thụy Điển.

Bong bóng khí rò rỉ từ đường ống Nord Stream 1 nổi lên bề mặt biển Baltic ngày 28/9. Ảnh: Cảnh sát biển Thụy Điển.

4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Nord Stream được phát hiện từ cuối tháng 9, hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai nằm trong EEZ của Đan Mạch. Giới chức Thụy Điển tuần trước phong tỏa vùng biển quanh vị trí rò rỉ tại EEZ của nước này để điều tra.

Công tố viên Mats Ljungqvist, lãnh đạo cuộc điều tra của Cơ quan An ninh Thụy Điển (SAPO), ngày 6/10 cho biết “hiện trường củng cố thêm những nghi ngờ về hoạt động phá hoại hoặc hành vi nghiêm trọng hơn”.

Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod hồi cuối tháng 9 cho biết nước này đã thông báo cho Nga về việc bắt đầu điều tra. “Tuy nhiên, chúng tôi không muốn nói chuyện với Nga. Chúng tôi muốn đào sâu vào vấn đề và đang làm điều này với các đồng minh của mình”, ông Kofod nói.

Châu Âu đang điều tra nguyên nhân khiến ba đường ống của hai tuyến Nord Stream bị rò rỉ, nghi do phá hoại song từ chối nêu đích danh bên chịu trách nhiệm. Nga bày tỏ nghi ngờ phương Tây dính líu đến sự cố và cho rằng Mỹ là bên có lợi, trong khi Mỹ phủ nhận liên quan đến vụ rò rỉ.

Các vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Đồ họa: BBC.

Các vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Đồ họa: BBC.

Tập đoàn Gazprom của Nga ngày 3/10 thông báo có thể chuyển khí đốt qua đường ống cuối cùng còn nguyên trên tuyến Nord Stream 2, song điều này cần kinh phí và thời gian phù hợp.

Đức hồi tháng 2 đình chỉ dự án Nord Stream 2, vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nord Stream 2 chưa đi vào hoạt động thương mại sau khi được hoàn tất tháng 9/2021, nhưng vẫn chứa đầy khí đốt để cân bằng áp suất dưới đáy biển.

“Nếu quyết định bắt đầu giao hàng qua đường ống B của Nord Stream 2, khí tự nhiên sẽ được bơm vào đường ống sau khi các cơ quan giám sát kiểm tra và xác nhận tính nguyên vẹn của nó”, Gazprom cho biết.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*