Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw hôm 4/4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng Liên minh châu Âu (EU) phải tăng cường biện pháp trừng phạt Nga. Theo ông Morawiecki, EU cần áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất có thể sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Thủ tướng Ba Lan đồng thời chỉ trích Đức vì các mối giao thương với Nga và cáo buộc Berlin cản trở trừng phạt Nga.
“Bất kỳ ai đọc biên bản các cuộc họp của EU đều biết Đức là trở ngại chính trên con đường áp đặt biện pháp trừng phạt cực kỳ cứng rắn với Nga”, ông Morawiecki, đồng thời chỉ ra rằng Hungary, thành viên EU được coi là có quan hệ thân thiết với Nga, lại ủng hộ trừng phạt ngành năng lượng của Moskva.
“Thủ tướng Hungary Viktor Orban không cản trở lệnh trừng phạt. Thực tế, trở ngại chính là các nước lớn, những người lo ngại cho doanh nghiệp của họ”, Morawiecki nói, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Đức chưa bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Ba Lan.
Đức tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào các mặt hàng Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng Berlin thừa nhận việc này sẽ mất nhiều năm và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Lãnh đạo Ba Lan còn chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì đã đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Tổng thống Macron, ngài đã đàm phán bao nhiêu lần với ông Putin. Ngài đã đạt được những gì? Ngài có ngăn chặn được những gì đang diễn ra không?”, Thủ tướng Morawiecki đặt câu hỏi.
Ông Macron đã nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông đã trao đổi với Tổng thống Putin 16 lần kể từ đầu năm và tiến hành hoạt động ngoại giao con thoi để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng giữa Moskva với Kiev.
Phản ứng trước chỉ trích của Thủ tướng Ba Lan, văn phòng Tổng thống Macron nói rằng ngay từ đầu, ông đã sử dụng mọi cách có thể để ngăn chặn chiến sự.
Ba Lan là một trong những quốc gia EU chỉ trích Nga nhiều nhất. Khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, giới chức Ba Lan đã kêu gọi Mỹ triển khai lực lượng tới châu Âu, bày tỏ mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân Mỹ để răn đe Nga, thúc đẩy phương Tây cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Kiev và áp đặt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Moskva. Nước này cũng đã kêu gọi tòa án quốc tế điều tra các cáo buộc dân thường bị giết hại ở Ukraine.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 4/4 nói rằng lời lẽ của Ba Lan là “cực kỳ hiếu chiến” và “chống Nga”, gây ra “mối quan ngại sâu sắc” ở Moskva.
Mỹ và các đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt lên Nga như bỏ quy chế tối huệ quốc, cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Nga hay loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Một số nước đã thu giữ du thuyền và các tài sản khác của tài phiệt Nga.
Moskva nhiều lần khẳng định Nga sẽ thích ứng được tình hình mới và các lệnh trừng phạt không khiến họ thay đổi lập trường. Nga đã đáp trả phương Tây bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev đầu tháng này cảnh báo Moskva có thể chỉ xuất khẩu nông sản tới các quốc gia thân thiện trong tương lai.
Hôm 2/4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả như kỳ vọng khi đồng ruble đang tăng giá. Tỷ giá ngày 5/4 là 83 ruble đổi 1 USD, sau khi từng giảm mạnh xuống mức 150 ruble đổi 1 USD hôm 7/3. Trước đó, tỷ giá hôm 23/2, một ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, là 81 ruble đổi 1 USD.
Huyền Lê (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi