Saudi Arabia dành riêng 5 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ

 Toàn cảnh thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: AFP
Toàn cảnh thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: AFP

Quyết định trên được Quỹ Phát triển Saudi (SFD) nêu trong tuyên bố ngày 6/3. Quyết định này là “sự thể hiện cam kết của Saudi Arabia trong việc hỗ trợ các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm củng cố nền kinh tế của nước này”.

Động thái của Saudi Arabia được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang vật lộn với lạm phát tăng cao và các trận động đất kinh hoàng gần đây đã cướp đi sinh mạng của hơn 46.000 người và khiến hàng triệu người mất nhà cửa.

Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở mức trên 55% và đồng tiền của nước này đang gần mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ, sau nhiều năm can thiệp chính sách của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – người đã phản đối việc tăng lãi suất bất chấp lạm phát leo thang.

Sự kết hợp của giá năng lượng toàn cầu tăng cao, đại dịch Covid-19, tài khoản vãng lai và thâm hụt thương mại gia tăng đã đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế bấp bênh. Phần lớn trong số 85 triệu dân sinh sống ở nước này hầu như không đủ khả năng chi trả cho các hàng hóa cơ bản.

Việc Saudi Arabia chấp thuận gửi 5 tỷ USD vào Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy sự cải thiện tốt đẹp hơn trong mối quan hệ giữa hai nước khi mối quan hệ gần như bị cắt đứt sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.

Những năm sau đó, hai quốc gia này đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để tẩy chay các sản phẩm và chuyến bay của nhau một cách không chính thức hoặc cản trở hoạt động của các cơ quan truyền thông của nhau.

Tuy nhiên, trong năm 2022, các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đã thực hiện các chuyến thăm ngoại giao tới các quốc gia của nhau và cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư khi Tổng thống Erdogan có sự thay đổi hoàn toàn về quan điểm, theo đuổi việc nối lại quan hệ hữu nghị và hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế đang ốm yếu của nước mình.

“Đáng chú ý là việc Saudia Arabia cho Thổ Nhĩ Kỳ vay mà không đặt ra điều kiện ràng buộc nào, trong khi họ cho các bên khác như Pakistan, Ai Cập, Tunisia, và Bahrain vay kèm theo với yêu cầu về chính sách vĩ mô tốt và/hoặc các chương trình hỗ trợ của IMF”, ông Timothy Ash, chiến lược gia thị trường mới nổi tại Công ty quản lý tài sản BlueBay Asset Management, nhận định.

Saudi Arabia thường bơm các khoản vay cho các nền kinh tế ốm yếu khác trong khu vực, nhưng gần đây đã từ chối đề nghị của Pakistan và Ai Cập và yêu cầu họ phải thực hiện một số cải cách trước, theo đài CNBC.

Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đạt tăng trưởng 5,6% trong năm 2022, theo dữ liệu chính thức được công bố tuần trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng năm 2023 được dự báo sẽ chậm lại đáng kể xuống còn 2,8% do các trận động đất gần đây đã tàn phá nặng nề miền nam nước này.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*