Những yếu tố thúc đẩy Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng

Trong báo cáo tài chính chính phủ công bố tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh ngày 5/3, Trung Quốc thông báo ngân sách cho các hoạt động quân sự trong năm 2023 là hơn 1,5 nghìn tỷ tệ (gần 225 tỷ USD), tăng 7,2% so với năm trước. Quyết định này giúp ngân sách quốc phòng Trung Quốc duy trì đà tăng liên tục trong gần ba thập kỷ qua.

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng trong bối cảnh kinh tế nước này không tăng trưởng như kỳ vọng. Trung Quốc năm ngoái đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%, nhưng thực tế chỉ đạt 3%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Chính phủ Trung Quốc năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn ở mức 5%.

Wen-Ti Sung, nhà khoa học chính trị kiêm giảng viên Đại học Quốc gia Australia, cho rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyết định tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, ngay cả khi nền kinh tế không được như kỳ vọng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc duyệt binh ở Hong Kong hồi tháng 6/2017. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh ở Hong Kong hồi tháng 6/2017. Ảnh: AFP.

“Mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự đẳng cấp thế giới mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra là nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy Bắc Kinh liên tục tăng chi tiêu cho quân sự”, chuyên gia Wen-Ti Sung nói với VnExpress.

Trong phiên họp quốc hội hôm 8/3, ông Tập nhắc lại mục tiêu này, yêu cầu quân đội Trung Quốc “tối đa hóa năng lực chiến lược quốc gia”, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa để biến quân đội nước này thành “lực lượng vũ trang đẳng cấp thế giới”.

Khi trở thành tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) vào năm 2013, ông Tập đã lập tức tiến hành một số cải cách sâu rộng đối với cấu trúc quân đội, vốn thiên về coi trọng vai trò của lục quân, với mục tiêu xây dựng lực lượng “hiện đại hóa hoàn toàn” vào năm 2027 và “quân đội đẳng cấp thế giới” có thể cạnh tranh với Mỹ và các cường quốc phương Tây vào năm 2050.

Ông cắt giảm 300.000 quân nhân, thành lập các chiến lược khu để tinh giản bộ máy chỉ huy, tăng cường lực lượng tác chiến. Chương trình cải cách của ông Tập chú trọng hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, giảm bớt vai trò truyền thống của lục quân.

Sau một thập kỷ ông Tập nắm quyền, Trung Quốc đang biên chế ba tàu sân bay, sở hữu hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung, hàng nghìn máy bay chiến đấu và lực lượng hải quân có số lượng tàu chiến nhiều hơn Mỹ, dù chất lượng và công nghệ chưa thể sánh bằng, theo giới chuyên gia.

Những động thái này nằm trong kế hoạch cải tổ, hiện đại hóa quân đội nhằm “hiện thực hóa giấc mơ có quân đội mạnh của Trung Quốc”, một trong những chìa khóa quan trọng giúp nước này hướng tới “giấc mơ Trung Hoa”.

Để hiện thực hóa tham vọng này, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài không ngừng tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian dài, song song với nỗ lực xây dựng khả năng tự lực về khoa học, công nghệ, theo Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh.

Ngoài ra, chuyên gia Wen-Ti Sung cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu phục hồi kinh tế hậu Covid-19, do đó tăng chi tiêu quân sự có thể là cách tạo việc làm và bù đắp cho mục tiêu tăng trưởng việc làm khó đáp ứng trong lĩnh vực dân sự.

Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng tạo ra 12 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị trong năm nay, cao hơn con số 11 triệu đặt ra năm ngoái. Trung Quốc có thể hy vọng đà tăng trưởng việc làm sẽ phục hồi, khi các ngành dịch vụ cần nhiều lao động như bán lẻ và dịch vụ ăn uống hoạt động sôi nổi trở lại sau khi các hạn chế chống dịch được nới lỏng.

Một lĩnh vực thu hút nhiều lao động chính là công nghiệp quốc phòng. Để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quốc phòng, Trung Quốc sẽ phải đóng thêm nhiều tàu chiến mới, phát triển các khí tài hiện đại hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, có chất lượng cao ở trong nước.

PLA cũng phải duy trì các cuộc tập trận và cải thiện phúc lợi cho quân nhân, những yếu tố gián tiếp góp phần vào tăng nhu cầu chi tiêu, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2023, PLA dự kiến đưa vào hoạt động các máy bay hiện đại như chiến đấu cơ tàng hình J-20 và chiến đấu cơ đa năng J-16, tiến hành chạy thử trên biển tàu sân bay thứ ba trang bị hệ thống máy phóng. Trung Quốc cũng dự kiến tổ chức các cuộc tập trận theo hướng chiến đấu thực tế, trong đó sử dụng lượng lớn đạn dược và nhiên liệu.

Một yếu tố khác tác động tới quyết định tăng đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc được chuyên gia Wen-Ti Sung chỉ ra là xung đột Ukraine, cuộc chiến đã kéo dài hơn một năm và cho thấy mức độ khốc liệt, hao người tốn của trong tác chiến hiện đại.

“Những khó khăn mà Nga gặp phải ở Ukraine đã cung cấp những dữ liệu quan trọng để Trung Quốc hình dung rõ hơn về chiến tranh đương đại và những lĩnh vực mà PLA cần cải thiện”, ông nói.

Trang Global Fire Power xếp Nga là quốc gia có sức mạnh quân sự số hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, thực tế chiến trường cho thấy lực lượng Nga, vốn dựa vào ưu thế pháo binh và lực lượng bộ binh, đã không thể hiện được ưu thế vượt trội trước quân đội Ukraine trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại của phương Tây.

Điều đó càng thúc đẩy các lãnh đạo Trung Quốc tăng cường đầu tư cho quân đội theo hướng tinh gọn, linh hoạt, trang bị các khí tài công nghệ cao, có khả năng thích ứng cao với điều kiện khắc nghiệt của chiến trường hiện đại, thay vì mô hình nặng về lục quân, theo chuyên gia.

Phó giáo sư Victor Shih, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, Mỹ, nhận định chiến sự Ukraine cho thấy bối cảnh an ninh toàn cầu diễn biến xấu và khó lường như thế nào trong năm qua, buộc Trung Quốc phải đặc biệt coi trọng nhu cầu hiện đại hóa quốc phòng.

Ngoài ra, khi tình hình eo biển Đài Loan vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, được thể hiện qua chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi tháng 8/2022, phó giáo sư Victor Shih nói rằng tăng ngân sách quốc phòng là “xu thế tất yếu của Trung Quốc”.

Các nhà quan sát ở Trung Quốc cũng nhận định tăng chi tiêu quân sự là nhu cầu quan trọng mà Trung Quốc phải đáp ứng khi đối mặt với những thách thức chưa từng thấy trong một thế kỷ qua.

“Trong bối cảnh an ninh toàn cầu như vậy, Trung Quốc cần phân bổ đủ ngân sách để xây dựng quân đội mạnh mẽ và tạo ra biện pháp răn đe đáng kể nhằm ngăn xung đột hay giành phần thắng nếu nó xảy ra, cũng như bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia”, Liu Xuanzun, nhà phân tích của Global Times, nói.

Wang Chao, người phát ngôn phiên họp đầu tiên của quốc hội Trung Quốc, giải thích rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tính theo tỷ trọng GDP về cơ bản ổn định trong nhiều năm và thấp hơn mức trung bình thế giới, khẳng định nước này không “chạy đua vũ trang”.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Victor Shih, động thái liên tục tăng chi tiêu quân sự của Bắc Kinh sẽ tác động đáng kể tới khu vực và thế giới.

“Khi Trung Quốc tăng đầu tư cho quân sự, nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực này. Đây không hẳn là chạy đua vũ trang, mà là các nước trong khu vực muốn đảm bảo họ không bị Trung Quốc bỏ lại phía sau quá xa”, ông Shih nói.

Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản năm 2023 là hơn 51 tỷ USD, tăng kỷ lục 26,3% so với năm trước đó. Các quốc gia khác như Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức Australia cũng có kế hoạch tăng chi tiêu cho quân sự, trong đó Australia dự kiến chi 3 tỷ USD mua khoảng 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia hiện đại nhất của Mỹ.

“Nhiều người cho rằng thế giới sẽ quay trở lại kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc và các nước không còn có thể trông cậy vào đảm bảo an ninh từ một bên nào đó. Tự đầu tư cho quân sự để răn đe và duy trì hòa bình là xu hướng trong tương lai”, chuyên gia Wen-Ti Sung nhận định.

Thanh Tâm

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*